Trong 3 ngày qua đã diễn ra 11 hoạt động quan trọng bao gồm các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, lần thứ 39; các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Nga, Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á theo hình thức trực tuyến.
Lễ Chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN từ Brunei cho Campuchia.
Đánh giá về kết quả của các Hội nghị, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN chia sẻ: “Hội nghị cấp cao ASEAN và các Hội nghị cấp cao liên quan có ý nghĩa quan trọng nơi các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra định hướng cho quá trình chống đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch; Tiếp tục các nỗ lực cho ASEAN xây dựng cộng đồng vững mạnh đến năm 2025 và vạch ra tầm nhìn định hướng phát triển ASEAN sau năm 2025. Các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác bàn bạc các vấn đề quan trọng khu vực ASEAN và quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới, nhằm tăng cường tính thống nhất ASEAN, duy trì vai trò trung tâm ASEAN trong giải quyết vấn đề khu vực, quốc tế”.
Cụ thể, tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đặc biệt nhất trí cao về các biện pháp tăng cường hợp tác ứng phó dịch COVID-19, nhất là nâng cao năng lực y tế, tự chủ về vaccine và sớm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khôi phục đi lại giữa các nước trong điều kiện bình thường mới. Các nước cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững.
Các nhà lãnh đạo đã trao đổi trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác về các vấn đề mới nổi, tác động đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Các nước đối tác hoan nghênh và đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ đối ngoại của ASEAN thời gian qua, nhấn mạnh tăng cường hợp tác để đối phó với các thách thức toàn cầu hiện nay và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN.
Tại tất cả cuộc họp, lãnh đạo các nước đều bày tỏ quan ngại tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, nhấn mạnh yêu cầu các nước trong và ngoài khu vực đề cao trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ quy tắc ửng xử ở Biển đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục khẳng định lại các mục tiêu và nguyên tắc của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (AOIP), trong đó hướng dẫn sự tham gia của ASEAN ở các khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng mở hơn.
Về tình hình Myanmar, ASEAN bày tỏ quan ngại trước các báo cáo về số người chết và tình hình bạo lực gia tăng. Hội nghị hoan nghênh những nỗ lực của Đặc phái viên ASEAN về Myanmar và kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Myanmar thực hiện nhanh chóng và đầy đủ “Năm điểm đồng thuận” ASEAN, bao gồm cả việc tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thăm của Đặc phái viên đến Myanmar.
Hội nghị ASEAN lần thứ 38 và 39 đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó tái khẳng định cam kết củng cố Cộng đồng ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các thách thức cũng như thúc đẩy sự phục hồi toàn diện của ASEAN sau đại dịch. Hội nghị Cấp cao lần này đã công bố, thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện bao gồm các tuyên bố, chiến lược, khung hợp tác, kế hoạch hành động, báo cáo, tài liệu tầm nhìn… trên nhiều lĩnh vực ở cả 3 trụ cột hợp tác của ASEAN.
Chuỗi hội nghị kết thúc bằng Lễ Bế mạc và Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN từ Brunei cho Campuchia. Có thể nói, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các hội nghị liên quan đã khẳng định khẳng định vai trò và tiếng nói của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.