Trong những tuần qua, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã làm đảo lộn quá trình mở cửa và hồi phục kinh tế sau đại dịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Với số lượng đột biến lớn và nguy cơ lây nhiễm cao, Omicron đã nhanh chóng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách những biến chủng "đáng lo ngại".
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron buộc nhiều quốc gia phải đưa ra các biện pháp hạn chế di chuyển. Trong khi đó, các nhà sản xuất vaccine đã cam kết sẽ tập trung vào nghiên cứu những loại vaccine đặc trị.
Tuy nhiên, biến chủng Omicron còn phải rất lâu nữa mới vượt qua được chủng Delta để trở thành biến chủng phổ biến nhất của COVID-19 trên thế giới.
Người dân xếp hàng xét nghiệm PCR tại phòng thí nghiệm Lancet ở Johannesburg hôm 30/11. (Ảnh: AFP)
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhớ rằng trước Omicron có nhiều biến chủng COVID-19 từng khiến cả thế giới phải lo sợ nhưng theo thời gian dần chìm vào quên lãng.
WHO kể từ đầu đại dịch đã phân loại các biến chủng của COVID-19 vào 3 nhóm là biến chủng đáng lo ngại, biến chủng cần lưu ý và biến chủng đang được giám sát. Trong đó, những biến chủng đáng lo ngại có mức độ nguy hiểm cao nhất, đòi hỏi phải được nghiên cứu và giám sát chặt chẽ.
Hiện tổng cộng 5 biến chủng của COVID-19 được WHO đánh giá là đáng lo ngại.
Theo WHO, Biến chủng Omicron hay còn được gọi là B.1.1.529, được phát hiện lần đầu vào hôm 9/11 sau khi nhiều ca nhiễm dòng biến chủng này được ghi nhận tại Nam Phi.
"Biến chủng mới này có khả năng lây lân mạnh mẽ", Tulio de Oliveira, nhà nghiên cứu gene tại Đại học Stellenbosch và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng phó Dịch bệnh Nam Phi, viết trên mạng xã hội Twitter.
Quá trình phân tích chuỗi gene đã cho thấy biến chủng Omicron có rất nhiều đột biến đáng lo ngại ở các protein gai, bộ phận giúp virus bám được vào các tế bào của người nhiễm bệnh.
Một số các đột biến trên đã được phát hiện ở các biến chủng trước đó và được xác định sẽ làm tăng độ nguy hiểm của virus.
Một trong số các đột biến này có tên gọi E484A, có nhiều điểm tương đồng với đột biến E484K.
E484K khiến các kháng thể và protein miễn dịch của cơ thể khó nhận diện virus hơn. Các protein miễn dịch là cơ sở cho phương pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng hiện nay.
Biến chủng Omicron đang gây ra nhiều sự hoang mang cho các quốc gia. (Ảnh: Reuters)
Omicron cũng có chứa đột biến N501Y, loại đột biến giúp cho biến chủng Alpha và Gamma có khả năng lây nhiễm mạnh mẽ hơn virus COVID-19 nguyên bản.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, ông Scott Weaver, tiến sĩ khoa y của Đại học Texas cùng các cộng sự cho biết, đột biến N501Y giúp cải thiện khả năng nhân bản tế bào của COVID-19 tại mũi và họng của người bệnh, làm tăng nguy cơ lan truyền virus khi người bệnh ho, hắt hơi hay sổ mũi.
Giống như biến chủng Delta, Omicron cũng có chứa đột biến D614G, giúp virus bám chặt vào tế bào của người bệnh.
"Nếu chỉ nói về số lượng đột biến thì không thể khẳng định rằng biến chủng này sẽ gây ra nhiều nguy hiểm, mặc dù những đột biến này có thể khiến cơ thể gặp khó khăn trong nhận dạng virus", bác sĩ Peter English, nguyên chủ tịch Uỷ ban Y tế Công cộng của Hiệp hội Y khoa Anh cho biết.
Điều khiến các chuyên gia lo lắng nhất hiện nay chính là số lượng đột biến nằm ở protein gai của biến chủng Omicron. Đây chính là bộ phận của virus mà phần lớn loại vaccine hiện hành nhắm tới.
Hình ảnh so sánh các đột biến trên biến chủng Omicron và Delta. (Ảnh: RT)
Các loại vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca và nhiều hãng dược phẩm khác chỉ sử dụng một phần chuỗi gen của virus, và phần lớn đều sử dụng chuỗi gene của protein gai nhằm tạo ra kháng thể.
Điều này có thể gây khó khăn cho hệ miễn dịch của người được tiêm vaccine trong việc nhận diện một biến chủng COVID-19 có nhiều đột biến ở protein gai.
Cho tới nay, vẫn chưa có đủ chứng cứ để chứng minh cho nhận định trên. Các nhà khoa học cho biết họ cần thêm thời gian để so sánh số lượng các ca nhiễm đột phá (ca nhiễm COVID-19 ở người đã được tiêm vaccine) gây ra bởi chủng Omicron so với các biến chủng khác.
Các chuyên gia y tế cũng lo ngại biến chủng Omicron sẽ có khả năng chống lại các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng. Tuy nhiên, WHO đã khẳng định các phương pháp khác như thuốc kháng virus hay phương pháp sử dụng steroid dexamethasone nhiều khả năng sẽ vẫn hiệu quả trong điều trị biến chủng Omicron.
Thuộc kháng virus và phương pháp sử dụng steroid dexamethasone được đánh giá là có hiệu quả với các biến chủng hiện tại của COVID-19. (Ảnh: Science Photo Library)
Theo số liệu từ Sáng kiến Quốc tế về Chia sẻ dữ liệu các bệnh Cúm (GISAID), các ca nhiễm biến chủng Omicron đã được phát hiện tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Nam Phi, Botswana, Bỉ, Hà Lan, Australia, Canada, Anh, Italy, Áo, Israel, Mỹ, Ấn Độ...
Để có thể phát hiện các ca nhiễm biến chủng Omicron, các quốc gia thay vì chỉ sử dụng xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm PCR sẽ phải thực hiện phân tích chuỗi gen của virus để biết được người bệnh bị nhiễm biến chủng nào.
Bên cạnh đó cung còn quá sớm để biết được liệu biến chủng Omicron có thể gây ra những triệu chứng nặng hơn cho người bệnh. Trả lời phỏng vấn Reuters, bác sĩ Angelique Coetzee cho biết các bệnh nhân của cô hầu hết chỉ có triệu chứng vừa và nhẹ.
"Triệu chứng nặng nhất mà tôi gặp phải ở những bệnh nhân của mình chỉ là tình trạng kiệt sức kéo dài từ một đến 2 ngày, sau đó là đau đầu, đau cơ", bác sĩ Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi cho biết.
Mặc dù Omicron là biến chủng có nhiều đột biến nhất cho tới nay, các chuyên gia y tế đều đồng ý rằng việc tiêm vaccine sẽ có hiệu quả chống lại các biến chủng này và khuyến khích người dân đi tiêm phòng sớm nhất có thể.
Một cư dân ở Alexandra thuộc thành phố Johannesburg, Nam Phi được xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: AP)
Theo Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, chỉ 35% dân số trưởng thành của nước này đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19.
Thêm vào đó, Nam Phi có một số lượng lớn người bị nhiễm HIV, dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch và dễ bị ảnh hưởng bởi virus.
Các nhân tố trên có thể là một phần lý do tại sao có nhiều biến chủng của COVID-19 xuất hiện tại Nam Phi.
Theo bác sĩ Jeffrey Duchin, giám đốc cơ quan y tế của thành phố Seattle và hạt King, Mỹ, các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, truy vết và cách ly cũng có hiệu quả đối với bất kỳ biến chủng nào của virus.
Mặc dù các chuyên gia y tế cho biết họ đang theo dõi sát sao biến chủng Omicron, nhiều người trong số này cũng nhận định người dân chưa cần phải lo lắng quá nhiều về biến chủng này.
"Đây không phải ngày tận thế. Chúng ta chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chủng Omicron có độ nguy hiểm lớn hơn các biến chủng COVID-19 trước đó", bác sĩ Peter Hotez, trưởng khoa Y tế Nhiệt đới tại Đại học Y Baylor cho biết.
Biến chủng Delta hiện chiếm phần lớn các ca nhiễm COVID-19 trên thế giới. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), biến chủng Delta hiện chiếm 99,9% các ca nhiễm tại nước này.
Còn được biết đến với cái tên B.1.617.2, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm mạnh hơn các biến chủng trước đó, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá được mức độ các triệu chứng mà biến chủng này gây ra.
Biến chủng Delta sau khi xuất hiện đã nhanh chóng thay thế biến chủng B.1.1.7 hay còn gọi là Alpha tại nhiều quốc gia.
Delta cũng có chứa đột biến ở các protein gai của virus, khiến cho biến chủng này có khả năng lây truyền cho cả những người từng bị nhiễm COVID-19.
Biến chủng Delta tuy có thể kháng lại phương pháp điều trị sử dụng công nghệ kháng thể đơn dòng được phát triển bởi hãng dược phẩm Eli Lilly, nhưng không chống lại được phương pháp điều trị sử dụng kháng thể đơn dòng của những công ty khác.
Được xác định là biến chủng đáng lo ngại vào tháng 12/2020, biến chủng B.1.1.7 hay còn gọi là Alpha đã khiến nhiều chuyên gia y tế lo lắng vào đầu năm nay. BIến chủng này nhanh chóng lan rộng tại Anh, trước khi lan sang các quốc gia khác, trở thành biến chủng COVID-19 chủ đạo tại Mỹ.
Kể từ đó đến nay, CDC Mỹ đã hạ mức độ rủi ro của Alpha xuống còn biến chủng đang được giám sát do mức độ ảnh hưởng thấp của biến chủng này.
Biến chủng Alpha có 23 đột biến và có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với virus COVID-19 nguyên bản nhờ vào đột biến mang tên N501Y.
Biến chủng Alpha hoàn toàn có thể được điều trị bằng phương pháp kháng thể đơn dòng và không có khả năng kháng vaccine.
Được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, biến chủng B.1.351 hay còn gọi là Beta có chứa đột biến E484K có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch và đột biến N501Y giúp biến chủng này có khả năng lây truyền mạnh mẽ hơn.
Biến chủng Beta có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với các biến chủng trước đó và có khả năng kháng lại phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng của hãng dược phẩm Eli Lilly.
Dữ liệu thực tế cho thấy biến chủng này có khả năng lây nhiễm với những người từng mắc COVID-19 và những người đã được tiêm vaccine.
Nhiều biến chủng Covid-19 hiện nay có khả năng kháng lại phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng. (Ảnh: BioWorld)
Các nhà sản xuất vaccine đã phát triển các mũi tiêm tăng cường đặc biệt để chống lại biến chủng Beta do khả năng kháng vaccine của biến chủng này.
Tuy nhiên, biến chủng Beta chỉ có khả năng kháng vaccine một phần và những người đã được tiêm trước đó sẽ vẫn có sự đề kháng với biến chủng này.
Biến chủng Beta đã bị thay thế bởi biến chủng Delta tại Nam Phi và hiện được CDC Mỹ đánh giá là biến chủng đang được giám sát.
Biến chủng P.1 hay Gamma là biến chủng đã từng lây lan mạnh mẽ tại Brazil nhưng đã không lan sang các quốc gia khác.
Biến chủng Gamma có hơn 30 đột biến bao gồm cả đột biến E484K và N501Y. Biến chủng Gamma có khả năng chống phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng của hãng dược phẩm Eli Lilly nhưng không thể chống lại phương pháp điều trị của hãng dược phẩm Regeneron.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy biến chủng Gamma có khả năng chống lại một phần kháng thể của những người từng nhiễm virus và những người đã được tiêm vaccine.
Biến chủng Lambda hay còn gọi là C.37. Biến chủng này được phát hiện tạiPeru vào tháng 8/2020 trước khi lan sang rộng tại một số quốc gia Nam Mỹ khác như Chile, Brazil và Ecuador.
Biến chủng Mu từng thu hút được sự quan tâm của cả thế giới khi được WHO đánh giá là biến chủng cần lưu ý. Tuy nhiên, biến chủng này đã không lan ra nhiều quốc gia và hiện được CDC đánh giá là biến chủng đang được giám sát.
Biến chủng Epsilon là tên gọi được đặt cho hai loại biến chủng có nhiều điểm tương đồng là B.1.427 và B.1.429. Được phát hiện tại bang California, biến chủng này mang đột biến L452R giống như biến chủng Delta nhưng đã không lan rộng tại Mỹ.
Biến chủng Lota hay B.1.526 được phát hiện tại New York vào tháng 11/2020. Biến chủng này từng lan nhanh khi chiếm 9% tổng số ca lây nhiễm ở Mỹ nhưng đã hoàn toàn biến mất trong thời gian gần đây.
Biến chủng Lota có chứa dạng đột biến 484 giúp virus dễ dàng bám vào các tế bào của cơ thể đồng thời lẩn tránh hệ miễn dịch.
Được phát hiện lần đầu tại Anh và Nigeria, biến chủng Eta hay B.1.525 cũng có mang đột biến E484K nhưng đến nay cũng đã biến mất.
Biến chủng Zeta hay P.2 từng lan rộng tại Brazil vào năm 2020 cũng có chứa đột biến E484K. Không nhiều ca nhiễm biến chủng Zeta được ghi nhận ở các quốc gia khác trên thế giới.