Theo nhóm chuyên gia của Chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán khép lại một tuần với nhiều sự kiện tác động mạnh đến thị trường trong nước. VN-Index có thời điểm chịu sức ép để mất ngưỡng tâm lý quan trọng 1.200 điểm nhưng đều được “vá đáy” thành công.
Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên giao dịch tuần 20 - 24/6. (Ảnh minh họa)
Trong khi khối ngoại là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường thì nhà đầu tư trong nước chấp nhận cắt lỗ khi có tới 3/5 phiên trong tuần này thị trường đóng cửa với hàng trăm cổ phiếu ở mức giá sàn. Thanh khoản tuần này đã có sự cải thiện so với tuần trước tuy nhiên đây lại là tuần các quỹ ETF cơ cấu danh mục nên thanh khoản thường tăng, do vậy phải quan sát tuần sau kỳ cơ cấu để đánh giá lại dòng tiền khi mà cung cầu trên thị trường sẽ quay lại trạng thái bình thường.
“Nhà đầu tư nên xử lý danh mục theo cổ phiếu riêng lẻ, với các nhóm cổ phiếu đang được dòng tiền tập trung có thể tiếp tục nắm giữ, trong khi nên bán những cổ phiếu đã để mất vùng đáy cũ, nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng và không mua đuổi trong các phiên tăng”, báo cáo của MBS nhấn mạnh.
Tương tự, theo các chuyên gia đến từ Chứng khoán BIDV (BSC), trong những phiên giao dịch sắp tới, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng khi các yếu tố vĩ mô quốc tế đang có xu hướng thắt chặt, sẽ gây tác động tiêu cực phần nào đến nền kinh tế nội địa.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng mặc dù VN-Index tiếp tục được hỗ trợ từ vùng dưới 1.200 điểm và hồi phục trở lại nhưng nhìn chung thị trường vẫn trong diễn biến suy yếu và tiếp tục tạo khoảng trống giảm giá. Thanh khoản tăng so với phiên trước nhưng vẫn chưa thể kết luận dòng tiền hỗ trợ gia tăng, do thanh khoản hôm cuối tuần có sự tiếp sức từ hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF.
“Thị trường sẽ có khoảng thời gian kiểm tra lại cung cầu trong vùng 1.220 – 1.230 điểm. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý áp lực bán lớn còn tiềm ẩn tại vùng này. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và hạn chế mua mới, đồng thời cân nhắc chốt lời và cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro”, các chuyên gia khuyến nghị.
Trong khi đó, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) tin rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index sẽ kiểm định vùng kháng cự gần nhất là 1.235 – 1.255 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường có dấu hiệu giảm khi VN-Index giữ được mức hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm và tín hiệu mua đã dần xuất hiện ở nhiều cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn đang trong vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường vẫn có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn.
Theo Chứng khoán Đông Á, VN-Index duy trì đà phục hồi về điểm số, tâm lý nhà đầu tư được gỡ bỏ nỗi lo thị trường lao dốc và đã quay lại tìm kiếm cơ hội sinh lời. Tuy nhiên thanh khoản của thị trường giảm khá nhiều là một dấu hiệu không mấy tích cực khi thời gian dài vừa qua giá trị giao dịch luôn cao hơn mức hai muơi ngàn tỷ mỗi phiên nhờ sự tham gia đông đảo nhà đầu tư mới - nhóm có tần suất giao dịch nhanh và nhanh nhạy tìm kiếm sóng tăng giá.
Nhịp phục hồi từ đáy trong tuần qua cũng là thời gian dòng tiền đặt cược vào sự đi lên sau khi giảm sâu của nhóm cổ phiếu nhỏ, tuy nhiên nhóm này tăng nhanh nên sẽ sớm đối diện áp lực chốt lời. Diễn biến của thị trường có thể sẽ khá thận trọng trong những phiên giao dịch sau lễ, do thị trường chờ đợi tin tức về lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần tới.
“Nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu cho danh mục trung hạn, quan tâm các nhóm cổ phiếu ngân hàng, khu công nghiệp, thép, thủy sản, may mặc ... là những nhóm ngành có kết quả kinh doanh tốt trong quý I/2022 đồng thời còn nhiều dư địa tăng trưởng trong các quý tiếp theo”, chuyên gia tại Chứng khoán Đông Á nói.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, VN-Index giảm 19,33 điểm xuống 1.217,3 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 391 mã giảm và 37 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 7,71 điểm xuống 280,06 điểm. Toàn sàn có 34 mã tăng, 201 mã giảm và 26 mã đứng giá.
UPCoM-Index giảm 2,15 điểm xuống 87,1 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.797 tỷ đồng, tăng 11,3%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 13,2% lên 15.637 tỷ đồng.