Theo các chuyên gia đến từ Chứng khoán VCBS, chỉ số VN-Index ngày 3/10 giảm mạnh với thanh khoản thấp xuống dưới vùng hỗ trợ 1.100 điểm. Toàn bộ các chỉ báo tiếp tục cho tín hiệu tiêu cực và chưa thấy dấu hiệu chững lại, thị trường đang bước vào nhịp giảm điểm lớn và ngưỡng tiếp theo sẽ ở vùng 1.050 điểm.
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt, quan sát thị trường, kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng thay vì việc bắt đáy sớm", báo cáo của VCSB nêu.
Tâm lý thị trường hiện đang tiêu cực, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trong những phiên tới.
Nhóm chuyên gia thuộc Chứng khoán Asean (AseanSC) nhận định, thị trường đầu tuần giảm điểm mạnh do 5 nguyên nhân: nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn suy yếu; ảnh hưởng tâm lý từ thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm; các tin đồn lan truyền trên mạng; TP.HCM ghi nhận ca nghi mắc đậu mùa khỉ đầu tiên và do hoạt động giải chấp sau nhịp điều chỉnh dài, trong bối cảnh thanh khoản giảm khá và ở gần mức trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế và tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, AseanSC cho rằng thị trường đang phản ứng một cách thái quá đối với các thông tin trên và kỳ vọng thị trường sẽ sớm ổn định trở lại trong thời gian tới, nhất là khi VN-Index đã có mức chiết khấu khá sâu kể từ đầu năm (> 29%) và mùa kết quả kinh doanh quý III đang đến gần (tích cực).
"Dự báo trong phiên giao dịch tới, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.060 - 1.080 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.020 - 1.040 điểm. Tuy vậy sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày", các chuyên gia của AseanSC phân tích.
Đồng quan điểm, khối phân tích tại Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự báo VN-Index tiếp tục xu hướng giảm khi mất vùng hỗ trợ giá thấp nhất tháng 9/2022 tương ứng 1.100 điểm. Áp lực bán tiếp tục gia tăng nhiều mã với độ rộng tiêu cực.
Hiện tâm lý ngắn hạn của thị trường vẫn ở trạng thái bi quan mạnh, áp lực cắt lỗ ngắn hạn cao, có rủi ro dẫn đến áp lực bán giải chấp của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Xu hướng ngắn hạn của VN-Index là suy giảm, chịu áp lực điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.010 - 1.030 điểm. Xu hướng ngắn hạn và trung hạn vẫn suy giảm.
SHS khuyến cáo nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp, cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện, thoát khỏi xu hướng giảm giá mạnh kéo dài, mới xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Chuyên gia thuộc Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cũng cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế bán ra ở giai đoạn hiện tại nếu không có áp lực margin. Nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp 25 - 30% danh mục.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo thị trường vẫn trong xu thế giảm và chưa thể hiện điểm dừng cụ thể. Diễn biến dao động mạnh theo chiều hướng xấu dẫn đến khả năng phán đoán thị trường trở nên khó khăn. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, giữ danh mục ở mức an toàn và chờ động thái hỗ trợ tiếp theo của dòng tiền.
Trong khi đó, dưới góc nhìn lạc quan, Chứng khoán Agriseco dự báo thị trường sẽ xuất hiện nhịp hồi phục dù rủi ro thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn hiện hữu. Theo Agriseco, nhà đầu tư nên giữ tài khoản với tỷ lệ tiền mặt tối thiểu 70% và không sử dụng margin. Trong trường hợp chỉ số về quanh vùng 1.050 điểm, nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu thuộc nhóm VN30 có triển vọng trung - dài hạn khả quan và đã về mức định giá hấp dẫn.
Nhà đầu tư chán nản
Ngay sau khi chứng khoán giảm sâu, hàng loạt ý kiến tiêu cực của nhà đầu tư liên tục xuất hiện trên các diễn đàn chứng khoán trong chiều 3/10 như: “Thị trường nát lắm rồi, thế này thì kiếm kênh đầu tư khác thôi", “Ai cũng báo lỗ, nghĩ mà chán"...
Nhà đầu tư chán chường sau phiên chứng khoán "bão lửa" ngày 3/10. (Ảnh minh họa: Đầu tư chứng khoán)
Tại một nhóm kín có gần nửa triệu thành viên trên mạng xã hội, tài khoản ĐT. chán chường chia sẻ: "VN-Index lại quay trở về dưới mốc 1.100 điểm, thậm chí sắp tới có thể còn thấp hơn nữa, thế này thì nhà đầu tư sống sao”.
Tài khoản C.V. chán nản: “Tôi đu đỉnh từ lúc VN-Index 1.520 điểm, khi chỉ số này xuống 1.160 điểm thì cắt lỗ. Rồi khi thấy VN-Index tăng lên 1.280, định thuận nước đẩy thuyền nào ngờ lại là một pha đu đỉnh, đành ngậm ngùi tiếp tục cắt lỗ. Vốn từ 500 triệu đồng xuống còn 50 triệu đồng".
Ngay dưới dòng chia sẻ này là hàng chục lượt bình luận, chia sẻ của nhiều nhà đầu tư về những lần tưởng là “bắt đáy" khác mà nào ngờ đều là đu đỉnh, dẫn đến thua lỗ cả hàng trăm triệu đồng.
Nhà đầu tư Đặng Thị Mỹ Hạnh, 27 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã bỏ 300 triệu đồng đúng lúc thị trường hỗn loạn, bình thường đã không biết đến bao giờ mới “về bờ". Sau hôm nay nữa thì hy vọng càng mong manh".
Nhà đầu tư Đình Dũng (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, sau khi thị trường bất động sản đi xuống, anh đã dồn tiền đầu tư khoảng 4 tỷ đồng vào chứng khoán. Nhưng sau khoảng gần 2 năm, đến tháng 6/2020 nếu như cắt lỗ, anh sẽ mất khoảng gần 2 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10, VN-Index giảm 45,67 điểm xuống 1.086,44 điểm. Toàn sàn có 43 mã tăng, 449 mã giảm (147 mã giảm sàn) và 34 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 12,08 điểm xuống 238,17 điểm. Toàn sàn có 42 mã tăng, 169 mã giảm (44 mã giảm sàn) và 29 mã đứng giá.
UPCoM-Index giảm 2,2 điểm xuống 82,76 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.580 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 22,8% và đạt 10.066 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên HoSE ở phiên này.