Thị trường chứng khoán trong nước trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài với diễn biến khá tiêu cực, nhiều mã vốn hóa lớn bị bán mạnh khiến chỉ số chung chìm trong sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch, nhất là về cuối phiên.
VN-Index đóng cửa ngày 4/5 ở mức 1.040,61 điểm, tương ứng giảm 8,51 điểm (-0,81%) trong ngày. Sắc đỏ chiếm ưu thế áp đảo với 247 mã giảm giá và chỉ có 143 mã tăng giá.
Chứng khoán Việt Nam giảm điểm tương đồng với thị trường quốc tế sau những thông tin tiêu cực liên quan đến Fed tiếp tục nâng lãi suất và khủng hoảng ngân hàng vẫn tiếp diễn ở Mỹ, cũng như mùa báo cáo kinh doanh ảm đạm.
VN-Index giảm mạnh trong ngày giao dịch trở lại. Đồ thị: TradingView.
Cổ phiếu ngân hàng gây áp lực lớn nhất lên thị trường khi sắc đỏ xuất hiện ở nhiều mã vốn hóa lớn. Trong đó, VCB của Vietcombank rơi 2,2% về 88.500 đồng là mã gây ra tác động xấu nhất lên thị trường chung.
Bên cạnh đó còn có CTG của VietinBank và VPB của VPBank cũng giảm quanh mức 2%. Các mã vốn hóa nhỏ hơn như PGB của PGBank bị bán tháo 8,7% về 29.300 đồng, NVB của Ngân hàng Quốc dân rơi 3% còn 13.100 đồng.
Cổ phiếu bán lẻ và hàng tiêu dùng cũng đỏ lửa như SAB của Sabeco đánh mất 3,1% xuống 166.600 đồng, MWG của Thế Giới Di Động rơi 3,3%, MSN của Masan lùi 3,4% hay VNM của Vinamilk giảm 2%...
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu riêng lẻ khác có tác động tích cực như HVN của Vietnam Airlines bất ngờ tăng hết biên độ lên 12.900 đồng cùng lượng dư mua trần lớn, trở thành mã có đóng góp tốt nhất cho chỉ số.
Cổ phiếu ngành chứng khoán là tâm điểm của dòng tiền khi một số mã bứt phá lên giá trần như VIX, APS, AGR. Bên cạnh đó còn có cổ phiếu Dược Hậu Giang (DHG), Nhựa Đông Á (DAG), Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH)... cũng kết phiên trong sắc tím.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất phiên 4/5. Nguồn: FireAnt.
Dòng tiền vẫn tỏ ra rất thận trọng trước những diễn biến khó lường của thị trường với thanh khoản trung bình chỉ dao động tại mức 10.463 tỷ đồng trên sàn HoSE, tăng gần 2% so với trước nghỉ lễ.
Cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất là VIX của Chứng khoán VIX với gần 37,5 triệu cổ phiếu được sang tay (giá trị 310 tỷ đồng), phần lớn ở mức giá trần. DIG của DIC Corp xếp ngay sau với thanh khoản gần 29,6 triệu cổ phiếu, nhưng lớn về mặt giá trị với 563 tỷ đồng.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng diễn biến theo chiều hướng xấu khi quay ngược bán ròng mạnh 326 tỷ đồng trên HoSE, đối ngược với khối tự doanh mua ròng gần 355 tỷ đồng.
Các mã bị khối ngoại xả nhiều nhất là VNM, CTG, STB, GMD với giá trị bán ròng 30-40 tỷ đồng, ngược lại nhóm này đẩy mạnh mua vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND.
Trước phiên giao dịch, khối phân tích Chứng khoán KBSV khuyến nghị nhà đầu tư bán hạ tỷ trọng trading đã mở tại các nhịp hồi phục. Yuanta Việt Nam cũng khuyên hạn chế mua mới và chờ điểm bán trong vài phiên tới.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp 30 - 40% danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng có thể xem xét mua mới các cổ phiếu đã xác nhận điểm mua ngắn hạn với tỷ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn.