Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chưa xem xét giảm thêm thuế với xăng dầu

(VTC News) -

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu cần thiết, có thể giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường trước khi tính tới giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT.

Chiều 20/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền Chính phủ, báo cáo Quốc hội thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán 2023.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về tình hình kinh tế xã hội.

Nói về giá xăng dầu, theo Bộ trưởng Phớc, trường hợp giá thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao, tác động đến lạm phát, kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân thì trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể.

Thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích, đánh giá tác động để Quốc hội xem xét việc giảm thuế này.

Mặt khác, Chính phủ kiến nghị Quốc hội việc giảm hai loại thuế này như một trong những biện pháp điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Đây là biện pháp dự phòng trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, diễn biến phức tạp. Đánh giá tình hình kinh tế xã hội thời điểm hiện nay, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, biện pháp dự phòng này chưa thực sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Trường hợp cần biện pháp điều chỉnh với xăng dầu, vẫn có thể xem xét điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 18 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, sau đó mới tính tới việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng. Lúc đó, Chính phủ cần xây dựng hồ sơ trình đúng quy trình Luật ban hành văn bản pháp luật.

Về điều hành xăng dầu vừa qua, thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ sáng 20/10, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; nguyên nhân khách quan, chủ quan trong điều hành giá. Việc này nhằm có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng diễn biến bất lợi thời gian tới.

Về tình hình thị trường xăng dầu, Ủy ban Kinh tế nhận định, từ đầu năm đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Có ý kiến cho rằng, việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.

Chính vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu, để rút ra bài học kinh nghiệm; có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.

PHẠM DUY

Tin mới