Doanh nghiệp “trần ai” chờ hoàn thuế
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (TP.HCM), cho biết việc hoàn thuế cho doanh nghiệp (DN) thời điểm này rất khó khăn và chậm, khiến dòng tiền của DN "không nhúc nhích".
“Từ năm ngoái đến nay, tiền hoàn thuế của Dony vẫn bị mắc lại, chưa hoàn được khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, với các DN xuất khẩu, tiền hoàn thuế rất quan trọng vì thực tế lợi nhuận mà DN có thể bỏ túi khi xuất khẩu chỉ khoảng 3% - 7%, đa số là 5%, nhưng thuế VAT đầu vào chiếm khoảng 10%. Vì thế mà khoản này đã ‘ăn’ hết lợi nhuận, thậm chí ‘ăn’ một phần vào tiền vốn gốc của DN”, ông Quang Anh phân tích. Do đó, theo CEO May mặc Dony, nếu không hoàn thuế được, DN càng làm càng lỗ.
Các DN xuất khẩu đang chật vật vì tiền hoàn thuế VAT bị chậm. (Ảnh minh họa)
Giải thích thêm vì sao tiền hoàn thuế VAT chỉ 10% nhưng lại tác động lớn đến các DN xuất khẩu, ông Quang Anh dẫn chứng, một cái áo Dony làm ra có giá thành 80.000 đồng, DN bán ra 100.000 đồng, vì thế DN coi như có lợi nhuận 20.000 đồng. Trong trường hợp không được hoàn thuế 10%, nghĩa là DN chỉ còn lời được 10%, tương ứng khoảng 10.000 đồng.
Tuy nhiên, vì sao DN lại "than" mất cả tiền lời và tiền gốc? Thực tế, chi phí làm ra cái áo 80.000 đồng thì mới chỉ là chi phí sản xuất trực tiếp làm ra cái áo (tiền vải, tiền công…). Còn các chi gồm chi phí điện, nước, mặt bằng, nhân viên bán hàng, marketing, chi phí phòng cháy chữa cháy… rất nhiều, dự kiến các khoản chi phí này là 15.000 đồng nữa, như vậy tính ra DN chỉ còn lời khoảng 5.000 đồng/sản phẩm.
Trong khi đó, thuế VAT là 10% (tương ứng 10.000 đồng), nếu hoàn được thì DN lời khoảng 5.000 đồng, còn không hoàn được thì lỗ 5.000 đồng.
Bà Hoàng Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thủ công Mỹ nghệ Minh Quang (TP.HCM), cho hay việc xuất khẩu của DN cũng đang rơi vào bế tắc vì bị chậm hoàn thuế trong thời gian dài.
“DN chúng tôi đã nộp hồ sơ hoàn thuế vào tháng 5/2022, số tiền hoàn thuế hơn 2,5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn mòn mỏi chờ đợi. Đến thời điểm này, số tiền hoàn thuế đã tăng lên gần 7 tỷ đồng”, bà Nga nói.
Bà Nga cho rằng, việc xác minh hàng tàu, hay cảng là việc của cơ quan thuế, DN làm sao có thể làm được?
“Mới đây, tôi tiếp tục làm việc với bên thuế thì nghe cán bộ thuế nói đã chuyển thông tin của DN ra nước ngoài xác minh định danh người mua hàng, giờ chờ kết quả và chẳng biết chờ đến bao giờ”, bà Nga nói.
Do không được hoàn thuế, DN có nguy cơ đóng cửa ngừng sản xuất vì thuế VAT 10% cuốn hết tiền vào đó. Trong khi đó, DN còn phải trả tiền lãi ngân hàng cùng nhiều khoản khác.
“Nếu khoảng 1 tháng nữa không được hoàn thuế, chắc chắn công ty sẽ phải tạm ngưng hoạt động vì hết tiền”, bà Nga nói thêm.
Doanh nghiệp ngành gỗ cũng gặp khó vì tiền hoàn thuế. (Ảnh: Trần Hải)
Đại diện DN cao su tại quận 1 cũng cho biết, đang bị “giam” tiền hoàn thuế VAT từ tháng 11/2021 đến nay lên tới hơn 50 tỷ đồng, dẫn đến không có vốn để nhận đơn hàng.
“Hiện nay, nguồn tiền duy trì hoạt động đã cạn kiệt, công ty phải cắt giảm chi phí, cho nhân viên nghỉ ở nhà và chỉ trả hơn 50% lương… Thậm chí, DN cũng không dám nhận đơn hàng lúc này vì không có vốn để nhập hàng, xuất hàng”, vị này chia sẻ.
Phải trả lãi nếu chậm hoàn thuế
Trước những khó khăn của các DN, Cục Thuế TP.HCM vừa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung gia tăng hiệu quả trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho các DN trên địa bàn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho hay, phần lớn các DN có đầy đủ hồ sơ, thủ tục đều được cơ quan thuế hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) theo đúng quy định. Tại TP.HCM, có hơn 80% doanh nghiệp được hoàn thuế trước, kiểm tra sau; còn lại là nhóm DN thuộc diện phải kiểm tra rồi mới được hoàn thuế. Trong số 20% này, phần lớn DN đã và đang được hoàn thuế, chỉ có một số ít DN chưa được hoàn do phải chờ xác minh.
“Hiện Cục Thuế TP.HCM đang tổng hợp các hồ sơ hoàn thuế VAT đang có vướng mắc và theo phản ánh của các Hiệp hội, DN. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ tổ chức đối thoại với hiệp hội, DN để làm rõ vướng mắc; sau đó sẽ tổng hợp báo cáo kết quả về Tổng cục Thuế”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Tại TP.HCM, cơ quan thuế thống kê có 1.105 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, bao gồm 994 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, 111 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 14,5% so với số liệu cả nước.
Ngoài ra, Cục Thuế TP.HCM cũng lưu ý các đơn vị trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với quyết định hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Liên quan đến việc các DN mòn mỏi chờ hoàn thuế, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho hay, trải qua giai đại dịch COVID-19 làm cho nhiều DN gặp khó khăn trong kinh doanh, nhiều DN đã phá sản hoặc giải thể.
Một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nguồn vốn bị khách hàng chiếm dụng và bị vướng mắc thủ tục bị chậm được hoàn thuế GTGT.
Câu hỏi được đặt ra là khi DN chậm nộp tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước thì DN bị đóng phạt nộp chậm với mức 0,03%/ngày, còn khi cơ quan thuế chậm thực hiện hoàn thuế GTGT cho DN thì giải quyết thế nào?
Trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nhận thấy những khó khăn mà các DN đang gặp phải nên Bộ Tài chính đã chỉ đạo các địa phương giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN trên địa bàn, khẩn trương giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho người nộp thuế, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế. Đồng thời, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước xem xét trả lãi cho DN theo số tiền thuế bị chậm hoàn.
“Tuy nhiên, không phải cứ các DN nộp đủ hồ sơ là được hoàn thuế GTGT, nếu hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN bị xác minh có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ bị chuyển sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan thuế phải có thông báo bằng văn bản cho DN được biết”, ông Lê Bá Thường nói.
Bộ Tài chính ban hành Công văn số 5427/BTC-VP ngày 26/5/2023 gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Công điện số 470/CĐ-TTg quy định trách nhiệm của Cục trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn khẩn trương giải quyết với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì khẩn trương giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.