Đặc sản quê xuất ngoại
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương (TP.HCM) cho biết, hiện doanh nghiệp của ông đã xuất khẩu được nhiều đặc sản như mắm ruốc, mắm cá linh, mắm cá sặc, tôm chua cà pháo, tôm chua đu đủ, bánh lọc... sang thị trường Mỹ.
“Dự kiến năm nay, doanh số xuất khẩu các loại đặc sản của công ty sang thị trường Mỹ đạt 1,5 - 2 triệu USD”, ông Tuấn nói.
Công nhân Công ty Chế biến thực phẩm Công nghệ Sông Hương đang gói bánh lọc, bánh nậm. (Ảnh: Trần Hải)
Theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân giúp doanh nghiệp xuất khẩu đặc sản quê hương tăng trưởng mạnh doanh số ở thị trường Mỹ là nhờ các clip review ẩm thực Việt được kiều bào xem nhiều. Bản thân doanh nghiệp cũng chủ động truyền thông, quảng bá sản phẩm đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài thông qua mạng xã hội.
“Để được nhập chính ngạch vào thị trường Mỹ, tất cả các sản phẩm mắm, bánh lọc, bánh nậm phải tuân thủ các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận của FDA… Chẳng hạn với mắm tôm chua, thì tôm không có dư lượng kháng sinh, phải có giấy xét nghiệm tôm nguyên liệu không bị nhiễm kháng sinh, tôm tươi phải được tuyển chọn kĩ, thịt chắc, dai…”, ông Tuấn nói thêm.
Kể về quá trình "xâm nhập" thị trường Mỹ, CEO Sông Hương Foods cho hay, tình cờ quen biết với CEO CTWS Group Nguyễn Diễm Chinh, và được bà Chinh Nguyễn giúp đỡ các thủ tục xin giấy chứng nhận của FDA để xuất khẩu những món ngon truyền thống từ quê hương Việt Nam vào Mỹ.
Cần nói thêm, CTWS Group là nhà phân phối có hơn 200 điểm bán phân bổ khắp 32 tiểu bang ở Mỹ.
Các sản phẩm của Sông Hương Foods lên kệ trong siêu thị tại Mỹ. (Ảnh: DNCC)
"Phải mất hơn 6 tháng trời, qua bao nhiêu lần trả lại hồ sơ bổ sung, và tốn không ít chi phí cho việc gửi mẫu và thử mẫu, thì cuối cùng niềm vui cũng vỡ òa, khi mọi tiêu chuẩn của FDA đã được Sông Hương Foods đáp ứng", ông Tuấn kể.
Hiện nay, cà pháo của Sông Hương Foods đã đi chính ngạch sang 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc). Bánh lọc được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc,… Công ty hiện cũng hướng đến xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Campuchia…
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dh Foods (TP.HCM), cũng chia sẻ, ngày trước doanh nghiệp này khởi nghiệp với sản phẩm muối tôm Tây Ninh và dần mở rộng sang các sản phẩm gia vị như muối tiêu lá chanh, muối ớt chanh Nha Trang, sốt ướp thịt BBQ…
“Giữa tháng 5, Dh Foods đưa sản phẩm lên kệ siêu thị tại Pháp. Đây là lô hàng trị giá khoảng 40.000 USD, gồm nhiều gia vị Việt như muối chấm hoa quả, muối ớt chanh Nha Trang, sốt ướp thịt, gia vị nấu phở…”, ông Dũng nói.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Dh Foods, từ đầu năm đến nay DN này liên tục dự các triển lãm, hội chợ ở nước ngoài như SIAL Thượng Hải 2023, Thaifex Anuga 2023, Seoul Food & Hotel 2023… để tìm kiếm đối tác và khai thác thị trường. Thời gian tới, DN sẽ tiếp tục dự các triển lãm lớn tại Đức và các nước châu Âu để mở rộng thị trường.
Ông Đặng Khánh Duy, Tổng giám đốc Công ty Tân Nhiên (tỉnh Tây Ninh) cho biết, sản phẩm bánh tráng được sản xuất từ khoai mì và hoàn toàn tự nhiên của DN hiện đang được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và hiện đang hướng đến thị trường Thái Lan và các nước khu vực Đông Nam Á với sản phẩm bánh tráng không cần nhúng nước
“Chúng tôi hoàn toàn có khả năng cung cấp cho thị trường Thái Lan với sản lượng bánh tráng không cần nhúng nước lên tới trên 4 tấn/ngày. Đặc biệt, nhờ có thêm các tiêu chuẩn cao từ ISO 22000, HACCP… nên sản phẩm bánh tráng của DN được các đối tác quốc tế đánh giá cao”, ông Duy nói.
Cơ hội rộng mở nhưng chưa tận dụng tốt
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamit (TP.HCM) - doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản - nhận định, một trong những giá trị cốt lõi để thành công là chất lượng, thương hiệu. Để chinh phục thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu đủ lớn, có sản phẩm đặc trưng so với hàng hóa cùng chủng loại trên thế giới và phù hợp với nước nhập khẩu, đối tượng nhập khẩu…
“Kiếm được khách hàng đã khó, giữ chân khách hàng còn khó hơn. Trong khi đó, vấn đề lớn mà chúng ta hay mắc phải là sự thiếu đồng đều, thiếu ổn định về chất lượng, mẫu mã cũng như các cam kết, ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt”, ông Viên nói.
Công nhân công ty NPFOOD Việt Nam sản xuất kim chi. (Ảnh: P.Uyên)
Chủ tịch Vinamit cũng nhấn mạnh, tiêu dùng xanh hiện là xu hướng tất yếu của thế giới. Để đáp ứng yêu cầu này, nông nghiệp trong nước cũng phải "xanh" và đáp án chính là ngành nông nghiệp tuần hoàn vừa hiệu quả, vừa an toàn, chất lượng.
Bà Nguyễn Cẩm Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên (FYE) chia sẻ, từ năm nay, Quỹ hỗ trợ Phát triển Thanh niên sẽ hỗ trợ các DN khởi nghiệp các công đoạn của xuất khẩu.
“Vừa rồi khi tham dự Thaifex 2023, chúng tôi nhận ra nhu cầu cấp thiết này đối với các DN khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp là ở khâu xuất khẩu. Sang Thái Lan đã khó như vậy rồi còn châu Âu, Trung Quốc thì sao? Đó là những thị trường chúng ta không thể bỏ qua được. Hiện, chúng tôi đã liên hệ với các đầu mối ở thị trường châu Âu, Trung Quốc… Và sắp tới sẽ có các hoạt động hỗ trợ thêm cho các hoạt động xuất khẩu sang những thị trường khó tính này”, bà Cẩm Chi nói.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng thừa nhận, thành phố có thế mạnh là nơi hội tụ, kết nối các chuỗi cung ứng xuất khẩu. Tuy nhiên, các DN gần như chưa khai thác hiệu quả lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do với nhiều ưu đãi cho sản xuất, xuất khẩu.
“Hiểu biết của DN về nhu cầu tiêu dùng xanh, về các điều kiện, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu của các thị trường lớn, về các tiêu chuẩn sản xuất bền vững… còn rất hạn chế”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhận định.
Sắp tới Sở Công Thương TP.HCM sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức các buổi huấn luyện, đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, hướng dẫn cụ thể từng bước cho DN để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế, hướng tới thị trường xuất khẩu.