Chiều 20/4, trả lời VTC News, chị Thanh Trúc, thành viên Nhóm Chung tay bảo vệ động vật rừng Sơn Trà cho biết, hiện vẫn chưa bắt được con khỉ mặt đỏ dính bẫy đứt lìa bàn chân trên núi Sơn Trà để chữa trị vết thương.
“Sau khi bẫy rớt khỏi chân thì con khỉ không cho tôi tiếp cận khoảng cách gần nữa. Nó giữ cự ly nhất định nên tôi phải có thời gian làm quen lại từ đầu. Đến nay khỉ đã dạn dĩ hơn và bắt đầu xuống đất. Nhóm xin phép lực lượng kiểm lâm ngày mai tiếp tục thực hiện bắt khỉ một lần nữa”, chị Trúc nói.
Hiện tình trạng vết thương hở đã khô nhưng xương lòi ra ngoài, nếu không được hỗ trợ về mặt y tế thì thời gian dài với thời tiết trên núi mưa nắng thất thường rất dễ dẫn đến nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tính mạng con khỉ.
Khỉ mặt đỏ dính bẫy trên bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: An Bình-Thanh Trúc)
Khỉ mặt đỏ bị thương do đạp phải bẫy kẹp và bẫy vẫn còn dính chặt trong chân được khách tham quan bán đảo sơn Trà phát hiện vào chiều 6/4. Sau nhiều ngày dính bẫy, bàn chân của khỉ bị hoại tử và đứt lìa. Nhóm Chung tay bảo vệ động vật rừng Sơn Trà và lực lượng kiểm lâm tìm cách tiếp cận, bắt khỉ để chữa trị vết thương nhưng không thực hiện được.
Tình trạng bẫy bắt động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà vẫn tiếp diễn dấy lên mối lo ngại về sự an nguy của loài này. Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn, mỗi tuần, đơn vị tổ chức 2-3 đợt tuần tra trong rừng để tháo gỡ, thu giữ các bẫy động vật.
Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm còn gặp một số khó khăn do lực lượng mỏng, thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị. Đơn vị cũng không có cán bộ thú y nên công tác cứu hộ chỉ dừng ở mức sơ cứu và chuyển lên tuyến trên.
Bàn chân khỉ hoại tử, đứt lìa cùng chiếc bẫy sắt.
Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn đã xây dựng phương án giám sát và bảo tồn khỉ năm 2021 và được UBND quận Sơn Trà phê duyệt. Kế hoạch bao gồm việc đề xuất thuê các đơn vị chuyên nghiệp để có thể bắt những động vật bị thương hoặc có nguy cơ tấn công người về chữa trị, sau đó tái thả về rừng.