Trong văn bản ban hành chỉ thị nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung khắc phục chỉ số "chi phí không chính thức".
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, năm 2021, Hà Nội đứng thứ 29/63 tỉnh, thành về chỉ số "chi phí không chính thức". So với năm 2020, chỉ số này của Hà Nội giảm 3 bậc.
Để cải thiện tình hình trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp với những phương án như cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí trên mọi lĩnh vực.
Hà Nội cũng giao Thanh tra thành phố tăng cường kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà tạo gánh nặng cho người dân, đơn vị, doanh nghiệp…
Về chỉ số "tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất" của Hà Nội trong năm 2021 tăng 6 bậc so với năm 2020 (đứng thứ 50/63 tỉnh thành). Chỉ số này tuy tăng bậc nhưng vẫn còn ở nhóm xếp hạng rất thấp, cần phải khắc phục.
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các giải pháp khắc phục kết quả chỉ số tiếp cận đất đai. Theo đó, sở này phải tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thị trường, đồng thời không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính về đất đai.
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hà Nội tiếp tục nằm trong nhóm 10 tỉnh thành (xếp thứ 10/63, giảm 1 bậc so với năm 2020) đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2021.
Chỉ số "chi phí không chính thức" được sử dụng để đo lường các khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chi trả những khoản phí không liên quan sản xuất, đầu tư, tiền phạt và các khoản phí bất thường khác trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Chỉ số này được các doanh nghiệp đánh giá gắt gao khi cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.