Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết trong bối cảnh thị trường trái phiếu có dấu hiệu tăng trưởng “nóng” từ năm 2019, tiềm ẩn rủi ro đến sự phát triển của thị trường, Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường này.
Sau các hoạt động chấn chỉnh của cơ quan quản lý Nhà nước, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm là 280.641 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các tổ chức tín dụng chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,5% và doanh nghiệp xây dựng chiếm 8,8%.
Tính riêng tháng 7, 84,4% khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ là của các tổ chức tín dụng, trong khi nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 1,5% và 0,7%.
Xét về tình hình phát hành những tháng gần đây, ông Dương cho biết thêm trong quý I, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất chiếm lần lượt 50,98% và 18,87% toàn thị trường. Đến quý II, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh phát hành và chiếm 64,73% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 15,49% và nhóm xây dựng chiếm 0,44%.
Đặc biệt, sau những động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý, thị trường này đã ghi nhận hiện tượng các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn với khối lượng lớn.
Tính đến cuối tháng 7, khối lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đã là 86.556 tỷ đồng, tương đương gần 3,7 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tính riêng tháng 7, đã có xấp xỉ 1,04 tỷ USD trái phiếu được mua lại trước hạn (số mua lại riêng quý II là 2,1 tỷ USD).
Ngoài ra, sau khi giảm mạnh trong tháng 4 thì khối lượng trái phiếu phát hành đã tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng chủ yếu vẫn ở nhóm tổ chức tín dụng, trong khi nhóm bất động sản tiếp tục phát hành với khối lượng thấp hơn rất nhiều so với quý I.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn tồn tại các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia, như doanh nghiệp đẩy lãi suất trái phiếu lên cao dù tình hình tài chính yếu; nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định để mua trái phiếu; một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với trái phiếu riêng lẻ…
Đặc biệt, rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay, theo ông Nguyễn Hoàng Dương là từ các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu những vẫn tham gia đầu tư.
“Trên mạng xã hội gần đây đã xuất hiện môi giới của một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính mời chào người dân mua trái phiếu doanh nghiệp như một hình thức gửi tiết kiệm. Chào mời hỗ trợ lách luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức phí 2-3 triệu đồng”, ông Dương chia sẻ.
Cùng với việc lãi suất có xu hướng tăng cao, việc huy động của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, các doanh nghiệp đã bắt đầu có hiện tượng nâng lãi suất trái phiếu để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.
Lãnh đạo Vụ tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho biết hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành; hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm chất lượng cao hơn; tăng điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức giám sát…
Nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua ký kết "Hợp đồng đầu tư trái phiếu" với các tổ chức theo hình thức thỏa thuận dân sự. Khi đó, nhà đầu tư sẽ không được coi là chủ sở hữu trái phiếu, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)
Với các nhà đầu tư cá nhân, ông Dương cho rằng trước khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần cân nhắc việc trái phiếu không phải là tiền gửi ngân hàng. Trong đó, trái phiếu được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi.
Bên cạnh đó, hiện pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán chào mời cá nhân mua trái phiếu không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.
Ngoài ra, ông Dương cũng cảnh báo phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu riêng lẻ hiện này là bất động sản, các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản này.
Thông tin về tài sản đảm bảo được doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị và các cam kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.
“Nhà đầu tư cần lưu ý rằng với các tài sản đảm bảo là dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, ông Dương nhấn mạnh.