Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại TP Hải Phòng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Đồ Sơn để báo cáo về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng và các vị Đại biểu Quốc hội.

Quốc hội đã đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động như chia kỳ họp làm 2 đợt để các cơ quan của Quốc hội tổng hợp tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đây là cách làm mới, sáng tạo.

Các phiên họp của Quốc hội đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận sôi nổi nhiều vấn đề mà thực tiễn đặt ra, đáp ứng mong muốn và nguyện vọng của cử tri, nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp, nhạy cảm; các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, không né tránh, không e ngại.

Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri Hải Phòng.

Trong hoạt động đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ này đã có nhiều hoạt động quan trọng tạo nên vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và đất nước ta nói chung, được nâng cao trên trường quốc tế.

Cử tri cũng đề cập đến các nội dung quan tâm liên quan đến công tác quản lý đất đai, phát triển du lịch, sửa đổi quy định về biển đả, những vướng mắc trong Luật Thuỷ sản năm 2017, Luật Phòng cháy chữa cháy và cơ sở hạ tầng khu du lịch, Luật an ninh mạng cùng nhiều vấn đề nổi cộm khác.

Cử tri Phạm Văn Tuyền, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn cho rằng, với nội dung kỳ họp Quốc hội lần này, cử tri mong muốn trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải được thực hiện cẩn trọng:

"Mong muốn Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua sửa đổi Luật Đất đai, đây là luật hết sức quan trọng, chi phối đến các hoạt đông kinh tế - xã hội. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện".

Trả lời cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lấy ví dụ về Luật Khám chữa bệnh 2023, Quốc hội cũng đã sáng suốt lùi lại so với dự định vì chưa đủ chín muồi. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ có bước đi thận trọng tương tự:

"Về Luật Đất đai, chúng tôi cũng tiếp thu vì đây là dự án luật rất phức tạp và tại kì họp này là lần thứ 3 trình ra Quốc hội. Trước đó chúng ta đã lấy ý kiến cử tri với trên 12 triệu lượt góp ý. Theo tinh thần kỹ lưỡng nhất, không chạy theo tiến độ, và giải quyết căn cơ những bất cập hiện nay, sơ hở mới. Đây là dự án đặc biệt quan trọng Quốc hội sẽ xem xét tại kỳ họp này. Nếu ban hành được ngay sẽ ban hành".  

Liên quan đến chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, cử tri Phạm Văn Tuyền, cử tri phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn mong muốn: "Đề nghị Quốc hội kỳ này xem xét để đưa vào thực hiện tiến trình cải cách tiền lương mới, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người lao động trong trình hình mới. Đây cũng là một vấn đề bức xúc và cũng là nguyện vọng của người lao động".

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ý kiến của các cử tri.

"Trong nội dung kỳ họp lần này khi xem xét vấn đề tài chính ngân sách thì Quốc hội sẽ quyết định luôn cái lộ trình và phương án cải cách tiền lương. Chúng ta đã chuẩn bị được khoảng 500.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương, đủ đề cải cách tiền lương từ nay đến 2025.

Cải cách chứ không phải chỉ có điều chỉnh tiền lương, hướng là sau này không có hệ số lương mà gắn với vị trí việc làm. Cho nên, việc xây dựng vị trí việc làm rất là quan trọng. Ý đồ của cải cách tiền lương là những người đang có hệ số lương 1,8 bây giờ, chuyển sang hệ thống thang bảng lương như doanh nghiệp.

Dự kiến sau năm 2024, mỗi năm là lại tăng thêm khoảng 6 - 7% nữa để trong một thời gian ngắn, mức lương thấp nhất của khu vực công chức sẽ đứng ngang bằng với khu vực sản xuất", Chủ tịch Quốc hội giải đáp.

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri về công tác lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và chuẩn bị chu đáo cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sắp tới. Một số người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhưng chưa đủ thời gian 1 năm thì sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm lần này.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Nhắc lại vụ cháy tại chung cư mini tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, các cử tri cũng bày tỏ lo lắng về việc một số quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Cử tri Hoàng Đình Dũng đề nghị: "Quốc hội sớm ban hành Luật sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy với những quy định sát với thực tế, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội; điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy".

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Chúng tôi rất đồng ý về chuyện này, có nội dung liên quan đến Luật nhà ở cũng đang phải tiếp tục rà soát, nhất là đối với cái chung cư mini. Theo tinh thần, nhu cầu thực tế người dân phải được bảo đảm, đây là nhu cầu có thật và dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm mà phải quy định rất chặt chẽ loại hình nhà ở này.

Yêu cầu phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí để có những điều khoản chuyển tiếp nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân và an ninh, an toàn tính mạng của người dân phải được đảm bảo".

Về vấn đề xử lý cá nhân, tập thể liên quan tới vụ cháy nhà chung cư mini tại Thanh Xuân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cơ quan hữu quan đang xem xét để xử lý nghiêm trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến vụ cháy. Những cá nhân có liên quan sẽ không được quy hoạch, bổ nhiệm trong thời gian các cơ quan chức năng đang xem xét xử lý trách nhiệm.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu khát quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của TP Hải Phòng.

Về đề nghị của cử tri Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, sớm chuyển giao các cơ sở nhà, đất của bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đơn vị quân đội không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, để hoang hóa về TP Hải Phòng quản lý, phục vụ phát triển du lịch của thành phố, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ từ câu chuyện của Hà Nội cũng có những vướng mắc tương tự trong việc các cơ quan chức năng không trả lại đất khi đã có chỗ mới.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Về những cơ sở tương tự này tới đây chúng ta cũng phải nghiên cứu để luật hóa việc này. Trong khi chưa có luật hóa được, phải có những đề án và những chủ trương quyết sách của Chính phủ.

Các nghị định về sắp xếp nhà đất có cả rồi. Bây giờ chúng ta cố gắng tăng cường kỷ luật kỷ cương. Quốc hội đã có giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa vào nghị quyết một loạt các dự án công trình lãng phí kiểu này và bắt buộc phải thu hồi.

Trong khi đất đai thì không có 12 ha đã nằm 11 năm rồi. Thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cần quan tâm giải quyết, Hội đồng nhân dân cần giám sát. Vấn đề này nên đưa vào danh mục công trình chậm tiến độ và nguy cơ lãng phí thất thoát".

Trả lời câu hỏi của cử tri về thực hiện Luật Thủy sản năm 2003, cần có những chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện việc chuyển đổi nghề khai thác, để phù hợp với Luật Thủy sản, ngư dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng thêm thu nhập của người dân, Chủ tịch Quốc hội cho biết:

"Chính phủ đã có một đề án chuyển đổi trước mắt khoảng 2.000 tàu chuyển sang nghề lĩnh vực chuyên ngành khác thân thiện với môi trường, vừa giải quyết được sinh kế đời sống cho bà con, nhưng vừa đảm bảo được việc môi trường về phát triển bền vững. Hỗ trợ kinh phí để hoán cải tàu, đề nghị tỉnh, thành phố quan tâm hơn, tuy Đồ Sơn tỷ trọng chuyển đổi không nhiều, nhưng đó cũng là sinh kế thiết thực của bà con tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông và chuyển đổi nghề nghiệp".

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của TP Hải Phòng; thông báo về kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, các hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua.

Báo cáo trước cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cho biết, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ được thực hiện 2 đợt. Kỳ họp diễn ra trong 23,5 ngày, bắt đầu từ 23/10 và dự kiến kết thúc ngày 29/11.

Đợt 1, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, xem xét công tác nhân sự, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và các nội dung. Đợt 2 thảo luận các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết.

Về công tác lập pháp, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 3 dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến 8 dự án luật. Kỳ họp xem xét các dự án luật rất lớn và khó như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Lê Tuyết (VOV)

Tin mới