Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Trung ương phải gương mẫu đi đầu trong tinh gọn bộ máy

(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm Trung ương phải gương mẫu đi đầu trong việc tinh giản bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính.

Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập khi phát biểu khai mạc phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14/11.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ách tắc đang cản trở sự phát triển kinh tế -  xã hội.

"Đảng có nghị quyết, Quốc hội phải thể chế hóa để Chính phủ chỉ đạo điều hành, làm sao để thông suốt. Tới đây việc tinh giản bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính thì Trung ương phải gương mẫu đi đầu, sau đó đến địa phương", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Duy Linh)

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã đi được 2/3 thời gian và đang diễn ra đúng theo đúng yêu cầu đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc kỳ họp và văn bản của Chủ tịch Quốc hội về đổi mới trong xây dựng pháp luật đã được đại biểu Quốc hội đồng thuận, đánh giá cao.

Trong phần góp ý của các đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định; tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Từ đó tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.

"Chính vì thế, nhiều dự thảo luật đã giảm đáng kể các điều, khoản. Ví dụ như dự thảo Luật Đầu tư công giảm 9 điều; 1 Luật sửa 4 luật giảm 6 điều; Luật Việc làm giảm 36 điều; Luật Nhà giáo giảm 21 điều… Cắt đi những phần mà thông tư, nghị định hướng dẫn và chỉ quy định theo thẩm quyền của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá không khí nghị trường, các cuộc thảo luận ở tổ sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, sâu sắc, phản ánh khách quan, toàn diện những vấn đề thực tiễn.

Kết thúc đợt 1, Quốc hội thông qua các nghị quyết về công tác nhân sự và 3 nghị quyết, cho ý kiến đối với 19/22 dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại đợt 2.

"Có thể nhận xét, đợt 1 của kỳ họp đạt được nhiều kết quả quan trọng, các nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao", ông Trần Thanh Mẫn nói.

Trong 2 ngày làm việc của phiên họp thứ 39, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện 12 nội dung gồm xem xét, cho ý kiến với 9 dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 kỳ họp và 3 nội dung khác thuộc thẩm quyền.

Nếu có phát sinh vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể bố trí xem xét các nội dung này vào thời gian dự phòng ngày 19/11.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, kịp thời báo cáo để nêu những nội dung thực sự cần thiết, các vấn đề cần xin ý kiến để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.

Với một số nội dung có thể được thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp nếu đủ điều kiện như Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi)...

"Đề nghị các cơ quan chủ trì nội dung thể hiện quan điểm rõ ràng có bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 hay chưa, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét", Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Anh Văn

Tin mới