Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng. Cùng dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; lãnh đạo một số bộ, ngành, Hội Nhà báo Việt Nam; các nhà báo lão thành, các nhà báo đoạt giải lần này.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự, phát biểu và trao giải tại Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII
Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII có 1.894 tác phẩm được gửi tham dự. Trong số 157 tác phẩm vào Chung khảo, Hội đồng giải đã lựa chọn được 8 Giải A, 24 giải B, 46 giải C, 45 giải Khuyến khích. Các tác phẩm dự thi bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và các mặt khác của đời sống, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi tới các nhà báo lão thành, những người làm báo và công chúng báo chí cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, nhiệt liệt chúc mừng những nhà báo vinh dự nhận được Giải thưởng năm 2022.
Trải qua chặng đường lịch sử vẻ vang 98 năm, Chủ tịch nước đánh giá, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước, tiên phong đi đầu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Lớp lớp thế hệ những người làm báo - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa đã xây dựng nên một nền báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn và cầu nối tin cậy của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Đội ngũ những người làm báo hôm nay ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, tự giác dấn thân, dũng cảm xông pha, có mặt tại các tâm điểm của đời sống xã hội, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng.
Kỷ niệm 98 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, trong niềm vui, niềm vinh dự, tự hào về nghề nghiệp của những người làm báo, Chủ tịch nước nêu rõ, chúng ta tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy và là người đã khai sinh ra nền Báo chí cách mạng Việt Nam; trân trọng tri ân công lao to lớn của các thế hệ nhà báo qua các thời kỳ, trong đó có nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nêu bối cảnh năm qua đất nước còn nhiều khó khăn thách thức sau đại dịch COVID-19, tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, Chủ tịch nước đánh giá: "Các nhà báo bằng trí tuệ, tâm huyết với đất nước và sự lao động nghiêm túc đã cùng phân tích, luận giải, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, các vấn đề được dư luận quan tâm; phản ánh sinh động đất nước, con người Việt Nam hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với bạn bè quốc tế.
Đội ngũ những người làm báo đã để lại nhiều dấu ấn, nhanh nhạy hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sắc bén hơn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục các giá trị nhân văn và phẩm giá làm người; thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trên các lĩnh vực…
Báo chí đã phát hiện, giới thiệu, cổ vũ, lan tỏa nhiều nhân tố mới điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo, gương người tốt, việc tốt, tích cực đấu tranh với những thói hư, tật xấu, những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống…".
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao các nhà báo có tác phẩm đạt Giải năm nay tiếp tục khẳng định tính cách mạng, tính khoa học, sự nhạy bén, sức sáng tạo. Nhiều tác phẩm báo chí mang tính phát hiện, tính chiến đấu cao, sắc bén, phản biện khoa học, đề xuất giải pháp thiết thực, thông tin tích cực, có sức lan tỏa, lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong xã hội.
Chủ tịch nước cho biết báo chí đang tiến gần đến dấu mốc lịch sử quan trọng - 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, năm nay là năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với rất nhiều nhiệm vụ to lớn đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Điều đó đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam nhiệm vụ ngày càng nặng nề, vinh dự và trọng trách ngày càng lớn lao, đòi hỏi người làm báo, các cơ quan báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
"Trước hết, tôi đề nghị cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình gánh vác. Người làm báo phải luôn nhận thức sâu sắc “làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng”, “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Trên cơ sở kiên định với lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, giữ gìn những giá trị cốt lõi, lý tưởng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nêu cao trách nhiệm xã hội, không ngừng sáng tạo, thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực, hữu ích, tin cậy cho Đảng, Nhà nước và nhân dân", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng mong muốn các nhà báo tiếp tục bản lĩnh, dấn thân, đội ngũ những người làm báo tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp thông tin hữu ích, nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ xã hội, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí.
Đồng hành cùng với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Thu hút sự tham gia tích cực của công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện vai trò giám sát quyền lực và thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính…
Theo Chủ tịch nước, báo chí phải là ngọn cờ đầu, kết nối và huy động các nguồn lực, bao gồm trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và cảm hứng năng động, sáng tạo, cống hiến của toàn dân; xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.
Cùng với việc kiên quyết đấu tranh góp phần loại bỏ những gì còn cản trở, kìm hãm, gây hại cho tiến trình phát triển của đất nước, báo chí cần đấu tranh sắc bén với các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần củng cố, vun đắp niềm tin của nhân dân; tiếp tục là vũ khí quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí, tệ nạn xã hội.
Nhấn mạnh báo chí là một bộ phận cấu thành của văn hóa, là lực lượng đi đầu trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là một điển hình, đại diện về tính văn hóa, cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa với những con người văn hóa, giữ gìn phẩm giá, lòng tự hào và tự trọng nghề báo, vượt qua những cám dỗ và thách thức, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân lên từng trang viết, từng sản phẩm báo chí.
Tiếp tục phát hiện, biểu dương những nhân tố điển hình, điểm sáng tích cực, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, khẳng định phẩm giá, tâm hồn, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam, định hướng xã hội vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ.
Chủ tịch nước tin tưởng, báo chí sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với vị thế của một nền báo chí sắp tròn 100 năm tuổi.
Tham gia dự thi tại Giải báo chí Quốc gia lần này, Liên Chi hội Đài Tiếng nói Việt Nam giành 1 giải A, 1 giải B, 2 giải C và 2 giải khuyến khích.
Trong đó, Tác phẩm: Vượt qua cơn binh lửa, của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Bùi Nguyễn Quang Dũng, Vũ Hải Đăng – Ban Thời sự giành giải A; Tác phẩm: Loạt 3 bài: Tàu vỏ thép 67: Thuyền to, thiệt hại kép, của nhóm tác giả Trịnh Đình Thiệu, Nguyễn Thành Long, Lê Vinh Thông – Cơ quan Thường trú khu vực miền Trung giành giải B. Tác phẩm: Loạt 4 kỳ: Lần theo dấu cát của nhóm tác giả Bùi Trọng Điển, Đỗ Trung Thuận, Nguyễn Thị Mỹ Phụng, Lê Tấn Khoa, Nguyễn Kim Loan – Kênh VOV Giao thông, giành giải C và tác phẩm: Loạt 5 kỳ: Báo động dùng Pi làm phương tiện thanh toán bất hợp pháp của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Ngàn, Nguyễn Sỹ Đoan, Chu Mạnh Hùng, Nguyễn Phú Huân, Nguyễn Hoàng Thanh – Đài Truyền hình Kĩ thuật số VTC, đoạt giải C.
Hai tác phẩm đạt giải Khuyến khích gồm: Tác phẩm: Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Tổng công trình sư Sáu Dân, “Sáu dám” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Minh Châu, Hà Thị Thu Thảo, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Bùi Nguyên Bảo – Ban Thời sự; tác phẩm: Ngọn hải đăng trên biển của nhóm tác giả Lê Minh Lợi, Nguyễn Minh Hoa, Đào Thị Ngọc Hồ, Thạch Quốc Hương, Khuất Tuấn Minh – Đài Truyền hình Kĩ thuật số VTC.