Chiều 12/10, Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị Giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo nghị quyết 30 của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với đảng bộ, chính quyền và nhân nhân TP.HCM về những tổn thất, mất mát, đau thương mà thành phố gánh chịu trong đại dịch COVID-19 khi số người tử vong tại thành phố lên tới gần 18.000 người.
“Chúng ta nên có hình thức phù hợp để tưởng niệm người đã mất, chia sẻ mất mát. TP.HCM đoàn kết với nhiều quyết tâm, quyết liệt nhiều biện pháp, huy động rất nhiều nguồn lực cho phòng chống dịch. Kết quả chúng ta đã vượt qua đỉnh dịch, thành phố đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, thử thách nhất trong việc tổ chức bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Ông cũng biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo, nhân dân, lực lượng tuyến đầu, lực lượng thiện nguyện, đồng bào cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, cộng đồng tôn giáo,… đã chung sức đồng lòng chống dịch. Đồng thời, Chủ tịch nước đánh giá cao tập thể lãnh đạo, hệ thống chính trị thành phố đã năng động, sáng tạo nhiều biện pháp chống dịch để đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
“Ví dụ như chương trình “Dân hỏi, thành phố trả lời”, nói lên và chia sẻ nhiều tâm tư nguyện vọng của người dân. Hay vấn đề vaccine, sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố, chúng ta mới nhiều vaccine đủ tiêm chủng cho dân", Chủ tịch nước nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh, người chết do COVID-19 rất nhiều nhưng thành phố không có tình trạng bạo loạn xảy ra, không có tình trạng cướp của giết người nguy hiểm. Về an sinh xã hội, túi an sinh, đi chợ hộ… được triển khai đến nhiều người dân; doanh nghiệp trẻ, doanh nhân đều tham gia với khối lượng vật chất rất lớn mang nghĩa khí, hào hiệp của đồng bào ta.
“Thành phố nghĩa tình, các đồng chí đã làm rất tốt, không có tình trạng phân biệt. Cảm ơn những người, những ngành đóng góp cho thành phố. Cảm ơn doanh nghiệp, nhân dân trong và nước ngoài đồng tâm hiệp lực trong công cuộc chống dịch”, ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chủ tịch nước cũng đồng tình với điều chỉnh chiến lược chuyển từ “Zero COVID-19” sang sống an toàn với dịch, bình thường mới của TP.HCM. Ông cho rằng, bình thường mới nghĩa là SARS-CoV-2 tồn tại lâu dài, do đó TP.HCM cần điều chỉnh linh hoạt, xây dựng các phương án thích ứng với rủi ro và xây dựng hệ thống quản lý rủi ro.
“Nếu không có quản lý rủi ro, mở cửa rồi lại đóng cửa. Sự thành công của kinh tế TP.HCM phụ thuộc vào việc giải quyết hậu quả do giãn cách xã hội kéo dài. Tiếp tục đóng cửa là không chịu nổi, chúng ta sẽ có hàng triệu người mất việc, mất thu nhập, đói khổ, bất bình đẳng, sang chấn tinh thần nặng nề… Đại dịch vừa qua, tinh thần một bộ phận không nhỏ người dân hoang mang, lo lắng nên ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội rất cao”, người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ phục hồi kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước yêu cầu TP.HCM tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế gồm: Lưu thông hàng hóa, di chuyển con người, dịch vụ tài chính - tín dụng, nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa, không phải “ngăn sông cấm chợ”, gây khó khăn lưu thông, “bít” đường quốc lộ.
Thành phố khôi phục và phát triển, đối thoại để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công. Động lực của thành phố là xuất khẩu, thị trường nội địa 10 triệu dân, thu hút đầu tư, chính vì thế TP.HCM phải áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, phù hợp và chủ động, huy động nguồn lực hợp lý. Đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật số, nông nghiệp số, thương mại số… thành phố nên đi trước các tỉnh thành.
Vấn đề lao động, việc làm, Chủ tịch nước yêu cầu TP.HCM liên kết với các tỉnh để nhanh chóng đưa lao động trở lại làm việc. Vừa qua môi trường sống, điều kiện thu nhập khó khăn nên nhiều bà con rời thành phố. Do đó thành phố phải tạo điều kiện tiêm vaccine, xây dựng nhà ở, phúc lợi xã hội tốt để bà con quay lại thành phố, đồng thời đào tạo, kết nối, cơ cấu lại lao động.
Vấn đề an sinh xã hội, thành phố tiếp tục hỗ trợ về sức khỏe, tinh thần, vật chất cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. TP.HCM cần huy động các nguồn lực, các biện pháp để tiếp tục vấn đề này chứ không lơi lỏng; có chính sách cho vay ưu đãi để hỗ trợ cho người lao động.
“Người lao động rời thành phố hiện nay đa số không có hợp đồng lao động, cần xây dựng hạ tầng an sinh, lưới an sinh. Câu hỏi lớn về an sinh đặt ra ở thành phố là lưới an sinh đang thủng to quá”, Chủ tịch nước nhấn mạnh thành phố cần tập trung tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế chính sách, pháp luật; chuyển đổi số, thay đổi kinh tế số; tái cấu trúc lại đô thị, chính sách đào tạo nguồn nhân lực.
TP.HCM cần tổ chức lại ngành y tế, từ thành phố đến quận, huyện, nhất là các trạm xá, y tế cơ sở. “Đoàn đại biểu Quốc hội vừa qua lắng nghe ý kiến của chuyên gia cho biết, cả huyện Hóc Môn không có bác sĩ nào làm ở y tế xã cả. Y tế cơ sở hiện nay rất quan trọng mà thành phố lớn, trạm y tế còn kém hơn các xã ở vùng nông thôn”, Chủ tịch nước nói.