Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò là chủ và làm chủ của Nhân dân. Vì vậy trong tư tưởng của Người, nhà nước phải là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; phải phục vụ Nhân dân.
Xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân là mục tiêu tối thượng và cao đẹp mà chúng ta đã và đang từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống xã hội; đó là xây dựng Nhà nước do Nhân dân bầu ra, do Nhân dân xây dựng, tất cả quyền lực đều thuộc về Nhân dân.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: VNE)
Là người có quãng thời gian dài trực tiếp khảo sát, nghiên cứu các tổ chức hình thức Nhà nước trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu về sự hợp Hiến, hợp pháp của một chính quyền, nhất là chính quyền khi đất nước vừa giành được từ tay đế quốc, thực dân. Chính bởi vậy, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để Nhân dân trực tiếp bầu ra các đại biểu xứng đáng thay mặt mình gánh vác việc nước.
Theo Người: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân...”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, với việc tổ chức thành công sự kiện bầu cử Quốc hội khóa I đã thể hiện rất rõ tinh thần cách mạng, sự ủng hộ đoàn kết của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Chính phủ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa của sự kiện trọng đại này trong bối cảnh thực dân Pháp đang gây hấn ở trong Nam và bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách tìm mọi cách để phá hoại cuộc bầu cử. Thế nhưng, đại đa số Nhân dân vẫn hưởng ứng và tham gia đi bầu cử thì thấy uy tín rất lớn của chính quyền cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam ngày càng được củng cố và hoàn thiện về các mặt: lập pháp, hành pháp và tư pháp, thật sự là công cụ quyền lực của Nhân dân, đại diện cho ý chí, lợi ích và nguyện vọng của toàn dân tộc. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Từ yêu cầu thượng tôn Hiến pháp, hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải bảo đảm quyền làm chủ thực sự của Nhân dân.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang.
Nhắc lại tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng: lợi ích của Nhân dân là trước hết và trên hết, nhiệm vụ của chính quyền và đoàn thể là phụng sự Nhân dân.
“Chính quyền của ta là chính quyền của dân, do dân và vì dân cho nên cơ quan đại diện và lợi ích của dân là Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng. Đấy là cơ quan sẽ lựa chọn ra những người tham gia vào bộ máy hành pháp và tư pháp thì người dân phải có trách nhiệm rất cao trong việc cử ra những người đại diện của mình. Do đó, muốn có được một bộ máy thực sự là có năng lực, thực sự là vì nước, vì dân, thực sự có thể ngang tầm với nhiệm vụ thì việc sáng suốt lựa chọn là cực kỳ quan trọng” - GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới là rõ ràng, không thể phủ nhận; nhưng thách thức, thậm chí có phần khắc nghiệt hơn trước đây, còn ở phía trước. Các mục tiêu kinh tế - xã hội trực tiếp và cao xa hơn là mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chỉ có thể được hiện thực hóa, duy trì và phát triển bền vững trên một nền pháp quyền lấy gốc ở dân.
Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng là phải đảm bảo quyền tự do dân chủ của Nhân dân trong việc lựa chọn và bầu ra Chính phủ thông qua bầu cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Mọi công dân đều có quyền bầu ra những người đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực của nhà nước. Những người tham gia vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cũng phải thực sự xứng đáng, thực sự tiêu biểu để thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
PGS.TS Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tín nhiệm của Nhân dân là Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đi đôi với làm. Các vị đại biểu Quốc hội học tấm gương Hồ Chí Minh theo ông những gì có ý tưởng, định nói ra nếu có trúng cử để thực hiện. Không nên chỉ tham gia đánh bóng mình để vào vị trí nào đó, như vậy uy tín giảm sút. Bác Hồ nói “uy tín giảm sút”, tức là “đạo đức giảm sút”. Cho nên rất mong sắp tới các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp khi được Nhân dân tín nhiệm bầu vào các vị trí thì phát huy trí tuệ, đại diện cho tiếng nói của Nhân dân.
Trong bài viết mới đây về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.
Bài viết nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho thấy, Tổng Bí thư đã điểm lại những tư tưởng rất căn bản của Người về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đặc biệt, bài viết đúng vào thời điểm chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, đã đặt ra những vấn đề lớn cho bộ máy nhà nước pháp quyền, đòi hỏi yêu cầu không ngừng hoàn thiện để phục vụ người dân tốt hơn.
PGS.TS Trần Minh Trưởng.
PGS.TS Hồ Trọng Hoài, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam liên tục phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động. Nhờ phát huy dân chủ ấy cho nên trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước.
Bởi vì trên cơ sở lắng nghe tiếng nói của người dân, phục vụ cho lợi ích chân chính của người dân, đó là phương thức Đảng thể hiện được tâm nguyện của mình, thể hiện được mục tiêu của mình, nhưng đồng thời cũng thể hiện Đảng ta, nhà nước ta không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu là phục vụ người dân tốt hơn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước của dân, do dân, vì dân cùng một hệ thống pháp luật tương thích vẫn còn nguyên giá trị soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó được Đảng ta thực hành, vận dụng và phát triển phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế qua từng thời kỳ.
Việc thấm nhuần sâu sắc và quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tổ chức và vận hành nhà nước kiến tạo, phục vụ Nhân dân, phục vụ xã hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.