Chiều 31/8, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chính thức khởi công hai gói thầu của dự án sân bay Long Thành (xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Đó là gói thầu số 5.10 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách và Gói thầu số 4.6 - Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV. (Ảnh: Khuất Nguyên)
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch ACV, ông Lại Xuân Thanh cho biết, ACV cam kết sẽ dồn mọi nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý dự án, chỉ đạo, kiểm soát sát sao và phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để hoàn thành thi công các dự án đúng tiến độ và chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, hoàn thành nhiệm vụ của chủ đầu tư.
Do cần 39 tháng để xây dựng, chạy thử nhà ga hành khách sân bay Long Thành, Chủ tịch ACV cho biết đang điều chỉnh tiến độ chung của cả dự án để đưa vào khai thác trong quý IV năm 2026.
"Đại diện cho chủ đầu tư, tôi cũng yêu cầu nhà thầu thi công, tư vấn giám sát phải thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghĩa vụ cam kết, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, an toàn lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường đối với các gói thầu; cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng vinh dự với chủ đầu tư trong việc thực hiện các dự án lớn của ngành hàng không Việt Nam", ông Lại Xuân Thanh nói thêm.
Theo ông Lại Xuân Thanh, dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành với công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Gói thầu xây dựng phần thân Nhà ga hành khách và hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, một số sân đỗ tàu bay được khởi công đồng bộ hôm nay là hai hệ thống công trình thiết yếu quan trọng nhất của cảng.
Nhà ga hành khách lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục được bố trí gồm khu vực trung tâm và 3 cánh, thuận tiện khai thác và hội tụ nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nhà ga được thiết kế hai cao trình đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không. Với giá trị lên đến hơn 35.000 tỷ đồng, diện tích sàn 376 nghìn m2, thời gian thi công nhà thầu đề xuất 39 tháng.
Gói thầu xây dựng Nhà ga hành khách được đánh giá là gói thầu có giá trị lớn và có tính chất kỹ thuật phức tạp nhất hiện nay, là đường găng của cả Dự án giai đoạn 1.
Gói thầu 4.6 của Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành bao gồm: Các hạng mục sân đường khu bay với đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, chiều rộng 75m (gồm 45m lòng đường+ 2x15m lề); Hệ thống đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, một số sân đỗ tàu bay.
Các hạng mục hạ tầng giao thông đi kèm như: Hệ thống đường công vụ khu bay có tổng chiều dài gần 30 km; hệ thống thoát nước mưa khu bay; Hệ thống đèn hiệu sân bay; Hệ thống chiếu sáng sân đỗ tàu bay, Hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác đạt tiêu chuẩn CAT II; Hạ tầng để lắp đặt cáp cho hệ thống cấp điện nguồn và ICT; hệ thống hạ tầng bảo đảm an ninh như hàng rào an ninh khu bay, bốt gác để bảo đảm công tác an ninh.
Gói thầu số 4.6 có dự toán được phê duyệt hơn 7.308 tỷ đồng, với thời gian thi công 23 tháng, là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án các công trình thiết yếu.
Đây là gói thầu quan trọng, liên quan trực tiếp tới hiệu quả, an toàn hoạt động bay nên yếu tố tỉ mỉ, chính xác về mặt kỹ thuật được đặt lên hàng đầu. Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân hiện nay cũng được áp dụng để xây dựng sân bay Long Thành có thể sánh ngang với các sân bay lớn cùng quy mô trên thế giới.