Liên quan đến vụ Huyện ủy, UBND huyện mắc nợ hơn 50 tỷ đồng chi tiêu, ngày 17/3, trả lời VTC News, bà Việt Anh, chủ nhà hàng Mỹ Hạnh (thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, Thanh Hóa) cho biết, đến nay Huyện ủy và UBND huyện Yên Định đang nợ nhà hàng hơn 400 triệu đồng.
Theo bà Việt Anh, năm 2015, tổng nợ của Huyện ủy là 800 triệu đồng, UBND huyện nợ 600 triệu đồng tiền đặt ăn tại nhà hàng. Các năm sau, mỗi năm 2 cơ quan này thanh toán một ít. Đến năm 2019, Huyện ủy còn nợ nhà hàng khoảng 200 triệu đồng và UBND huyện nợ 200 triệu đồng.
"Từ năm ngoái đến nay, Huyện ủy và UBND huyện không trả cho chúng tôi một đồng nào. Tôi vào hỏi lãnh đạo Huyện ủy thì họ bảo chưa có nguồn để trả. Còn lãnh đạo UBND huyện thì họ bảo khoanh nợ không trả, họ còn nói "ai đặt cơm thì đi đòi tiền người đó".
Tôi đã liên hệ những cán bộ từng đặt cơm tại nhà hàng tôi thì họ bảo UBND huyện chưa thanh toán tiền cho họ nên họ chưa có tiền trả", chủ nhà hàng Mỹ Hạnh thông tin.
UBND huyện Yên Định đang bị tố nợ nhiều tỷ đồng.
Cũng theo bà Việt Anh, giữa nhà hàng của bà và những cán bộ đặt cơm đều có giấy tờ xác nhận đầy đủ. Cán bộ đặt cơm tại nhà hàng đều có danh sách các đoàn ăn và được lãnh đạo huyện thời kỳ đó xác nhận.
"Giờ họ không trả thì chúng tôi lấy tiền đâu để trả ngân hàng vì tiền đó là chúng tôi vay của ngân hàng", chủ nhà hàng Mỹ Hạnh bức xúc.
Cùng ngày, trả lời VTC News, ông Hồ Tuấn Khải, lãnh đạo Phòng Ngân sách huyện xã (Sở Tài chính Thanh Hóa) cho biết, việc phân bổ ngân sách chi dự toán hàng năm giai đoạn 2011-2015 thì Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh.
Tất cả đều phân bổ theo định mức. Sau khi đã phân bổ dự toán cho huyện Yên Định thì huyện sẽ căn cứ nguồn được cấp để phân bổ kinh phí cho các đơn vị thuộc huyện. Sau khi được phân bổ, chủ tài khoản chịu trách nhiệm điều hành thực hiện dự toán ngân sách được giao.
“Về nguyên tắc theo luật ngân sách là được định mức ngân sách bao nhiêu thì chỉ được chi bấy nhiêu, chứ không được chi vượt hơn. Ví dụ chỉ phân bổ 10 đồng, nhưng anh vay chỗ này, vay chỗ kia để chi lên 12 đồng thì sang kho bạc họ cũng sẽ kiểm soát chi và không thanh toán vì trong dự toán không có.
Ở huyện Yên Định đang nợ như báo chí phản ánh như vậy là do điều hành ngân sách của chủ tài khoản ở cơ quan Huyện ủy, UBND huyện không bám theo dự toán được giao”, ông Khải cho biết thêm.
Trụ sở Huyện ủy Yên Định.
Những ngày qua, một số tờ báo phản ánh việc Huyện ủy và UBND huyện Yên Định đang "nợ như chúa chổm" với số tiền lên tới hơn 50 tỷ đồng.
Những món nợ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…
Không những nợ chi tiêu, mà huyện này còn nợ cả tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn vì đã lấy tiền thưởng để chi vào việc khác.
Đây là khoản nợ chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 - 2015, khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Cả hai vị này hiện đã nghỉ hưu.
Trong giai đoạn này, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí của Văn phòng Huyện ủy Yên Định, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra... đều lâm vào cảnh bị UBND huyện, Huyện ủy "nợ tiền".
Theo thống kê sơ bộ, UBND huyện Yên Định đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng.
Trả lời báo chí, bà Ngô Thị Hoa, Chủ tịch UBND huyện Yên Định giai đoạn 2011-2015 cho biết: “Có nhiều cuộc họp Thường vụ huyện ủy để bàn và đều biết là định mức thấp mà công việc nhiều. Từ năm 2012, nói thật là khi mà tỉnh tổ chức hội nghị mô hình nông thôn mới tại huyện Yên Định, lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ cũng đề nghị huyện Yên Định tiếp các đoàn đến thăm học tập mô hình xây dựng nông thôn mới. Nói là Yên Định cứ đón tiếp nồng nhiệt đi rồi tỉnh hỗ trợ. Sau đó tỉnh cũng có hỗ trợ, nhưng ít”.
Ông Hoàng Cao Thắng, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Yên Định cho biết, các vấn đề về chi tiêu của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định đều đã được ghi lại trong sổ sách của Phòng Tài chính. Các khoản chi cho xây dựng, sửa sang lại cơ sở, các công trình phục vụ chương trình nông thôn mới... đều được ghi lại.
"Các chi tiêu trong thời điểm Thanh Hóa xây dựng nông thôn mới đều được ghi lại. Các khoản chi trong nhiều năm chứ không phải một, hai năm... Các hạng mục đó đều nằm trong hệ thống sổ sách của ủy ban. Do Ủy ban không có tiền cho nên đã ứ đọng lại cho đến nay", ông Thắng giải thích.
Sáng 16/3, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Huyện uỷ Yên Định yêu cầu báo cáo toàn bộ sự việc trước ngày 30/3.
Cụ thể, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định nhanh chóng làm rõ sự việc, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm (nếu có), báo cáo kết quả xác minh đến Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa trước 30/3/2020.
Video: Lựa chọn, sàng lọc, củng cố đội ngũ cán bộ