Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Choáng váng đề cương ôn thi cuối kỳ của học sinh tiểu học dài chục trang giấy

(VTC News) -

Không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng bị ám ảnh bởi những tập đề cương dài hàng chục trang mỗi kỳ thi đến.

Đúng 16h30, chị Nguyễn Thị Hoà (38 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vội vã xin về sớm, chạy thẳng từ công ty về trường đón cậu con trai lớp 3, còn con lớn học lớp 8 có thể tự đạp xe về nhà. Chỉ còn hơn tuần nữa, các con chị sẽ bắt đầu làm kiểm tra học kỳ 2 các môn học.

Thi học kỳ trở thành nỗi "ám ảnh"

Để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi, gia đình chị Hoà thống nhất cho con ăn cơm sớm hơn thường ngày, dành nhiều thời gian hơn cho việc "giải quyết" tập đề cương dài hàng chục trang cô giao về.

"Nhìn vào tập đề cương của con út lớp 3 mà tôi hoa hết mắt, vì lượng kiến thức được liệt kê dài ngoằng. Nào là môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, đến cả môn Tin học cũng có đề cương ôn tập", chị Hoà nói.

Đề cương ôn tập thi học kỳ đủ các môn của học sinh lớp 3. (Ảnh: PHCC)

Thông thường, đề cương là tóm tắt trọng tâm kiến thức trong mỗi học kỳ nhưng theo lời chị Hoà, hầu hết nội dung các môn cô giáo giao đều liệt kê lại kiến thức từ đầu kỳ tới cuối kỳ, thậm chí nhắc lại kiến thức từ kỳ 1. Điều đó có nghĩa, con chị Hoà phải học lại gần như kiến thức cả năm mới có thể thi tốt cuối kỳ 2. 

"Ví dụ môn Toán, mỗi dạng bài, kiến thức, học sinh lại được giao làm 4 - 5 bài tập minh hoạ. Đếm sơ qua, cũng phải 25 - 26 đề mục, và con cần hoàn thành hơn 100 bài toán trước khi kỳ thi học kì II diễn ra", vị phụ huynh nói.

Với môn Tiếng Việt, giáo viên yêu cầu học sinh tập trung ôn luyện thành thạo 3 kỹ năng đọc, viết, nghe - nói và am hiểu kiến thức Tiếng Việt.

"Ngày xưa đi học lớp 3, thi học kỳ chỉ cần đứng lên đọc một đoạn thơ hoặc truyện và viết một đoạn văn ngắn 4-5 câu, vậy mà giờ kiến thức vừa dài, vừa khó. Tôi lo trong thời gian ngắn không thể ôn luyện hết", chị Hoà nói.

Một tuần nay chưa ngày nào hai con chị đi ngủ trước 12h đêm. Tối nào, chị cũng ngồi vào bàn học, cùng con "vật lộn" với các bài toán, sau đó lại luyện viết các đoạn văn theo đề bài cô giáo cho sẵn, rồi lại tranh thủ ôn các môn phụ khác.

"Đằng đẵng 4 - 5 tiếng buổi tối mỗi ngày chỉ ôn tập theo đề cương, ấy thế mà học cả tuần nay với chỉ hoàn thành được 1/3 chỉ tiêu", vị phụ huynh này nói và cho hay gia đình hoãn hết các lịch nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tới để tập trung hoàn thiện lượng bài tập "khổng lồ" trong đề cương.

'Mạnh tay' thuê gia sư chỉ để làm đề cương

Không có nhiều thời gian ngồi học cùng con 4 - 5 tiếng mỗi ngày, kiến thức và cách dạy hiện khác xưa nhiều nên chị Hoàng Ngọc Hà (35 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) quyết định tìm gia sư kèm 1-1 tại nhà cho con.

Trước kia, con trai chị tự học, không cần học thêm nhưng từ ngày nhận hàng loạt đề cương ôn tập cuối kỳ 2, con gần như ngạt thở giữa núi kiến thức, không biết bắt đầu từ đâu.

Thương con, chị Hà cắn răng chi 300.000 đồng/buổi để thuê gia sư hỗ trợ con cùng ôn luyện đề cương các môn Toán, Tiếng Việt, học kín tất cả các buổi tối trong tuần. Dự tính thuê giáo viên dạy ôn 2 tuần sẽ tiêu tốn khoảng gần 4 triệu, bằng 1/3 tháng lương, nhưng nhìn cảnh con chật vật với đống đề cương, chị không đành lòng.

Nhiều phụ huynh ngao ngáo vì con ôn thi cuối thì mà như thi chuyển cấp. (Ảnh minh hoạ)

Tiếng Anh dù là môn con học tốt nhất nhưng chị cũng phải chi 300.000 đồng cho 2 buổi học cuối tuần để thầy và trò cùng nhau giải đề và luyện speaking (nói). 

Chị Hà cũng chia sẻ, các trường tiểu học hiện nay khá chú trọng tiếng Anh nên trong bài thi cuối kỳ, học sinh phải trải qua nhiều kỹ năng như nghe, nói, đọc, viết. Để thành thạo từng kỹ năng, trẻ cần dành nhiều thời gian ôn luyện theo nhiều phương pháp. Tuy nhiên đề cương môn nào cũng dài, làm xong mất nhiều thời gian, chưa kể phải học, phải nhớ theo hướng dẫn trong đề cương đó.

Không chỉ đầu tư công sức, tiền bạc mỗi mùa thi đến, chị Hà cũng phải "cắt" hết mọi hoạt động vui chơi, ngoại khoá của con để dành thời gian cho việc học và ôn luyện. "Tôi hứa sau khi thi học kỳ được điểm cao sẽ cho con đi chơi bù", chị Hà nói.

Cô Trần Thu Hoài (giáo viên trường TH, THCS và THPT Lê Thánh Tông, Quảng Ninh) cho biết: "Trước mỗi mùa kiểm tra học kỳ, chúng tôi đều chuẩn bị đề cương ôn tập dựa trên chương trình học, chủ yếu tóm tắt các kiến thức trọng tâm, bài tập cũng giao ví dụ để làm mẫu cho phụ huynh dễ dàng dạy con và ôn luyện tại nhà. Tuy nhiên, tinh thần chung các đề cương đều tóm tắt nội dung chính, không giao nội dung dài, khó hiểu gây áp lực cho học sinh".

Chương trình giáo dục tiểu học hiện nay không đặt nặng thành tích hay đánh giá học sinh theo học lực, các học sinh cuối kỳ có điểm thi tốt sẽ được tặng giấy khen. Do đó, nhà trường không bắt buộc học sinh phải học tập, ôn luyện gắt gao mỗi kỳ thi. Quá trình học, thầy cô luôn theo sát học sinh, học đến đâu ôn luyện để nhớ kiến thức đến đấy, tránh tình trạng học dồn học đuổi cuối kỳ

"Phụ huynh cũng nên quan tâm con từ đầu năm để con vững kiến thức cả kỳ học, điều này giúp các con đỡ vất vả khi ôn thi cuối kỳ", cô Hoài nói.

Hiểu Lam

Tin mới