Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chợ đen vaccine COVID-19 ở Trung Quốc

(VTC News) -

Trong khi các công ty phát triển vaccine tiến gần tới giai đoạn hoàn thiện thuốc, nhu cầu tiêm chủng quá lớn làm dấy lên lo ngại về nạn phân phối thuốc qua chợ đen.

Ông Cheng, một chủ doanh nghiệp đến từ Bắc Kinh, đang có kế hoạch đi Mỹ. Trước khi xuất phát, ông dự định tới tỉnh Quảng Đông nhờ cậy một người bạn làm việc tại công ty phụ trách khâu làm lạnh trong nghiên cứu vaccine. Tại đây, ông đóng giả làm nhân viên công ty để tiếp cận vaccine COVID-19 thử nghiệm.

Ông Cheng phải trả tới 91 USD cho 2 liều vaccine mà ông tin là được sản xuất bởi một chi nhánh của công ty dược Sinopharm. Đây là nơi nghiên cứu vaccine COVID-19 được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Bạn chỉ cần chuyển tiền cho anh ấy qua Alipay, nhưng anh ấy sẽ không nói chi tiết về quá trình thực hiện vì đây rõ ràng là chợ đen”, ông Cheng yêu cầu chỉ nêu họ của mình vì lo bị trả thù.

Các công ty phát triển vaccine COVID-19 như AstraZeneca và Pfizer đang tiến tới giai đoạn hoàn thiện thuốc. nhiều nước trên thế giới cũng bắt đầu triển khai các phương án phân phối. Do đại dịch bùng phát quá mạnh, nhu cầu tiêm chủng quá lớn làm dấy lên lo ngại về nạn phân phối thuốc qua chợ đen.

Nhu cầu tiêm chủng quá lớn làm dấy lên lo ngại về nạn phân phối thuốc qua chợ đen.

Hối lộ

Có nhiều khả năng vaccine sẽ được ưu tiên chuyển tới những người có mối quan hệ”, bà Rachel Cooper, Giám đốc Sáng kiến Y tế của Tổ chức minh bạch Quốc tế có trụ sở tại London, cho biết. “Trước đại dịch, người dân thường sử dụng các mối quan hệ cá nhân hoặc hối lộ để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.

Dù vaccine vẫn chưa được cơ quan quản lý chấp thuận, hàng trăm nghìn người ở Trung Quốc đã được đưa vào chương trình sử dụng khẩn cấp. Điều này đã làm gia tăng mối lo ngại của các nhà khoa học về tính an toàn của thuốc.

Công ty Biotec, chi nhánh của Sinopharm, cho biết rằng các thử nghiệm thuốc trên người giai đoạn cuối, với hơn 50.000 người ở các quốc gia từ Argentina đến Ai Cập, đang tiến triển thuận lợi. Hiện chưa có báo cáo nào về tác dụng phụ nghiêm trọng từ những người tham gia.

Đặc quyền tiêm chủng nhờ quan hệ

Một người bạn của gia đình một người đàn ông Trung Quốc được tiêm vaccine sớm nhờ có mối quan hệ công việc với các quan chức trong chính quyền tỉnh Hà Bắc. Gia đình người đàn ông này cũng được khuyến khích tiêm chủng, nhưng anh từ chối.

Họ tự hào vì có được suất tiêm”, anh nói. “Họ coi đó là một đặc ân rồi tung hô, vận động tôi cùng gia đình đi tiêm chủng. Chẳng khó để làm vậy nếu bạn có một số mối quan hệ ở Trung Quốc”.

Tại Trung Quốc, nhân viên chính phủ và các công ty nhà nước dễ dàng tiếp cận việc tiêm chủng hơn. Một người làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông cùng các đồng nghiệp được tiêm vaccine COVID-19 cách đây 2 tháng với lý do công việc phải tiếp xúc với công dân nước ngoài, dù họ chỉ ở trong nước. Nhiều quan chức Bộ Ngoại giao cũng được cung cấp thuốc.

Vài thành viên của ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cũng cho biết hàng chục người tại công ty họ được tiêm chủng sớm nhưng phải ký các thỏa thuận giữ bí mật về sự việc.

Một người khác cho biết mình có thể tiếp cận vaccine nhờ cha mẹ làm việc trong một cơ quan nhà nước. Thậm chí, một nhà báo của tờ Bloomberg cũng được đề nghị tiêm chủng trong quá trình thâm nhập điều tra.

Một nhà báo của tờ Bloomberg cũng được đề nghị tiêm chủng trong quá trình thâm nhập điều tra. (Ảnh: The Jakartapost)

Các đợt “thử nghiệm” vaccine

Một số người như ông Cheng chỉ muốn làm biện pháp đề phòng COVID-19 trước khi đi du lịch. Một nữ sinh viên Trung Quốc muốn tới Pháp cho biết có một phòng giao dịch cung cấp dịch vụ tiêm phòng cho sinh viên đi du lịch nước ngoài.

Họ bảo tôi đề nghị tiêm chủng cho sinh viên xuất ngoại chỉ là một đợt thử nghiệm”, sinh viên này cho biết công ty cũng nêu rõ rằng vaccine chưa được phê duyệt. Sau khi xuất trình thẻ sinh viên, cô được tiêm chủng tại nhà máy của một công ty ở ngoại ô Bắc Kinh. Những sinh viên tham gia đợt “thử nghiệm” này đều được yêu cầu giữ bí mật trên mạng xã hội.

Trên thế giới, bất chấp các hạn chế đi lại, quảng cáo về các chuyến du lịch đến Mỹ để tiêm vaccine vẫn tràn lan trên mạng xã hội của Ấn Độ. Công ty du lịch Gem Tours & Travels có trụ sở tại Mumbai là một trong những nơi có kế hoạch tổ chức những chuyến đi sang Mỹ nhằm mục đích tiêm chủng. Công ty cho biết họ không tự mua thuốc và chưa xác định được thời gian xuất phát.

Sự công bằng mong manh

Sau khi vaccine hoàn thiện, chính phủ Trung Quốc dự định phân phối đợt thuốc đầu tiên tới những nhân viên ở tuyến đầu cùng những đối tượng dễ bị tổn thương trước khi phân bố rộng rãi trên thị trường. Dù vậy, nhiều người vẫn liên hệ với ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của viện Huyết thanh Ấn Độ, để tìm hiểu trước về loại vaccine thành phẩm sắp ra mắt.

Tôi đã từ chối, dù bạn là người giàu có và quyền lực hay là một người bình thường, tôi nghĩ tất cả chúng ta chỉ cần chờ đợi”, ông Poonawalla nói.

“...Việc đưa những liều thuốc đầu tiên tới với tất cả những người già yếu và dễ bị tổn thương, cùng các nhân viên tuyến đầu, mới là là điểm mấu chốt”.

Với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, nhiều người không tin rằng công tác phân phối sẽ diễn ra công bằng. (Ảnh:Aa)

Với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc cùng nhiều thách thức về hậu cần trong việc cung cấp vaccine cho người dân toàn thế giới, nhiều người không tin rằng công tác phân phối sẽ diễn ra công bằng như lời Giám đốc Poonawalla nói.

Anil Hebbar, người điều hành một công ty thiết bị y tế và là tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19 tại Ấn Độ, cho biết có nhiều người sử dụng giấy tờ giả để sử dụng phương tiện giao thông dành riêng cho nhân viên y tế. Ông cho rằng tình trạng tương tự rất có thể xảy ra trong quá trình phân phối vaccine.

Mọi người sẽ tự xưng là y tá, bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện”, ông Hebbar nói. "Con người sẽ luôn làm những điều có thể phục vụ lợi ích của họ".

Trần Trang

Tin mới