Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chính sách đối phó Trung Quốc của 'bộ tứ' chính quyền Tổng thống Biden

(VTC News) -

4 nhân vật được chọn vào các vị trí hàng đầu trong chính quyền mới đồng tình với quan điểm cơ bản của chính quyền Trump về Trung Quốc, nhưng có cách tiếp cận riêng.

Hai trong số 4 nhân vật hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Biden đã được Thượng viện phê chuẩn.

Bà Avril Haines được Thượng viện phê chuẩn trở thành Giám đốc tình báo quốc gia trong phiên họp chiều 20/1.

Hai ngày sau đó, Tướng lục quân 4 sao đã nghỉ hưu Lloyd Austin được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trở thành Bộ trưởng Quốc phòng da màu đầu tiên của Mỹ.

Ông Austin, 67 tuổi, cần có sự miễn trừ từ Quốc hội do ông nghỉ hưu chưa đầy 7 năm - khoảng thời gian tối thiểu để một quân nhân từng phục vụ trong quân đội phải chờ để được phép lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Tướng Austin nghỉ hưu năm 2016.

Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua việc miễn trừ cho ông Austin vào 21/1. Trước đây chỉ có 2 ứng viên từng được đề cử miễn trừ như vậy là George C. Marshall trong chính quyền Truman, và James Mattis trong chính quyền ông Trump.

Ông Biden khẳng định Lloyd Austin là người duy nhất đủ điều kiện gánh vác vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với khủng hoảng chưa từng có trong chính sách đối ngoại và chính trị. (Ảnh: Getty Images)

Với việc đảng viên Dân chủ chiếm đa số ở cả 2 viện của Quốc hội, các đề cử nhân sự hàng đầu khác của tân Tổng thống Joe Biden là ông Antony Blinken cho vị trí Ngoại trưởng và Janet Yellen cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, dự kiến sẽ nhanh chóng được phê chuẩn.

Theo Asia Times, có nhiều dấu hiệu cho thấy, 4 nhân vật được ông Biden lựa chọn giữ các vị trí quan trọng hàng đầu trong nội các Mỹ ​​sẽ tiếp tục chiến lược cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, từ cạnh tranh công nghệ cao đến tranh chấp trên biển ở châu Á. Tuy nhiên, chính quyền mới sẽ có những điều chỉnh chiến lược, theo đó dựa nhiều hơn vào ngoại giao đa phương và hợp tác với các đồng minh toàn cầu.

Tiếp nối quan điểm cứng rắn

Trong phiên điều trần tuần vừa qua, ứng cử viên cho chức Ngoại trưởng và cố vấn lâu năm của ông Biden, Antony Blinken đã nhấn mạnh vào sự đồng thuận của lưỡng đảng về Trung Quốc, điều này cho thấy sẽ có sự tiếp nối chính sách [của chính quyền tiền nhiệm].

“Tôi cũng tin rằng Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc”, ông Blinken cho biết, mặc dù ông nói rõ rằng sẽ có những thay đổi chiến lược lớn trong chính quyền mới.

“Tôi phản đối cách mà ông ấy [Trump] thực hiện cách tiếp cận cứng rắn đó trong một số lĩnh vực, nhưng về cơ bản thì sự cứng rắn đó là đúng và tôi nghĩ điều đó thực sự hữu ích cho chính sách đối ngoại của chúng tôi”, ông nói thêm.

Trong một cuộc trao đổi Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, đồng minh lâu năm của ông Trump và là nhân vật có ảnh hưởng của đảng Cộng hòa, ông Blinken cũng công khai tán thành tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Pompeo về vấn đề Tân Cương của Trung Quốc.

 Ứng cử viên cho chức Ngoại trưởng và cố vấn lâu năm của ông Biden, Antony Blinkeng. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, bà Avril Haines, người được Thượng viện phê chuẩn làm Giám đốc Tình báo Quốc gia hôm 20/1 đã chỉ trích các chính sách “gây hấn và hiếu chiến” của Trung Quốc. Bà kêu gọi chính quyền mới ở Washington có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà Haines đã cam kết chủ động theo dõi ảnh hưởng của Trung Quốc và phát huy các nguồn lực tình báo mạnh mẽ của Mỹ để chống lại các hành động “không công bằng, bất hợp pháp, hung hăng và cưỡng ép” của Trung Quốc.

Một dấu hiệu khác cho thấy khả năng tiếp nối chính sách đối phó Trung Quốc của chính quyền Trump, trong đó có các vấn đề thương mại và công nghệ, là bà Janet Yellen, cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang (FED), và người được đề cử điều hành Bộ Tài chính. Bà Yellen cũng đã chỉ trích Trung Quốc và cáo buộc nước này về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

“Trung Quốc rõ ràng là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất của chúng ta. Trung Quốc gây bất lợi cho các công ty Mỹ bằng cách bán phá giá sản phẩm, dựng lên các rào cản thương mại và trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn. Họ đánh cắp tài sản trí tuệ và tìm cách mang lại cho mình lợi thế công nghệ không công bằng, bao gồm cả việc bắt buộc chuyển giao công nghệ” bà Yellen nói trong phiên điều trần tại Thượng viện.

Củng cố liên minh đối phó với Trung Quốc

“Đó là những điều chúng tôi đã nhận thức được để chuẩn bị các công cụ đối phó”, bà Yellen nói trong phiên điều trần tại Thượng viện, đồng thời cam kết của bà “sẽ xử lý các hành vi lạm dụng, không công bằng và bất hợp pháp của Trung Quốc”.

Nếu được phê chuẩn trở thành Bộ trưởng Tài chính, bà Yellen sẽ có đặc quyền rất lớn trong việc khởi xướng các biện pháp trừng phạt, có khả năng tiến hành song song với các đối tác châu Âu và Nhật Bản, nhằm vào các công ty Trung Quốc.

Nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ cũng sẽ đem lại lợi thế cho chính quyền Biden trong việc tạo ra một “liên minh công nghệ” lớn chống lại Trung Quốc, một sự khác biệt lớn so với chính sách không nhất quán của chính quyền Trump và những mâu thuẫn chưa từng có với các đồng minh trên thế giới.

Nhân vật được kỳ vọng nhiều nhất là tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người sẽ “giám sát” lực lượng quân sự hàng đầu thế giới cùng các liên minh quân sự rộng lớn của Mỹ trên toàn cầu trong những năm tới.

Ông Biden đã trực tiếp đề nghị Quốc hội cấp quyền miễn trừ đặc biệt cho cựu tướng về hưu trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, khẳng định Lloyd Austin là người duy nhất đủ điều kiện gánh vác trọng trách này trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với khủng hoảng chưa từng có trong chính sách đối ngoại và chính trị.

“Đây không phải là một vị trí mà ông ấy tìm kiếm, mà là tôi đã tìm tới ông ấy”, ông Biden nói trước phiên điều trần xác nhận của Austin.

Ngay cả những người phản đối việc cấp quyền miễn trừ đặc biệt cho các tướng lĩnh vừa nghỉ hưu như Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (đảng Dân chủ) cũng đánh giá ông Austin là “một lựa chọn tuyệt vời cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng”.

Trung Quốc sẽ vẫn là mối đe dọa lớn nhất

Trong phiên điều trần trước Thượng viện, ông Austin, cho rằng Trung Quốc là “mối đe dọa đáng kể nhất trong tương lai vì Trung Quốc đang ngày càng nổi lên, trái ngược với Nga và các đối thủ khác của Mỹ”.

Khi được hỏi về Chiến lược Quốc phòng của chính quyền Trump (2017), trong đó công khai chấp nhận “sự cạnh tranh nước lớn” với Trung Quốc, ông Austin cho rằng, tài liệu này “hoàn toàn đúng hướng đối với những thách thức ngày nay”, mặc dù ông cam kết sẽ tiếp tục cập nhật bản chiến lược và làm việc trong giới hạn chỉ dẫn và chính sách do chính quyền kế tiếp ban hành.

Nhận thức được khoảng cách quân sự ngày càng thu hẹp giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Austin đã kêu gọi một chiến lược quân sự chủ động, tập trung vào các công nghệ thế hệ tiếp theo, bao gồm “việc sử dụng điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), sự ra đời của các chiến trường được kết nối, các nền tảng dựa trên không gian” như một “biện pháp răn đe đáng tin cậy” đối với Trung Quốc.

Ông cũng bày tỏ ủng hộ kế hoạch hiện đại hóa hải quân kéo dài 30 năm của chính quyền tiền nhiệm được công bố vào tháng 12/2020, trong đó yêu cầu có thêm 405 tàu có người lái vào năm 2051.

Tôi mong muốn được thực hiện và - nếu được phê chuẩn – sẽ làm việc với lãnh đạo hải quân để hiểu rõ hơn về vấn đề này và để đảm bảo rằng chúng tôi có các nguồn lực phù hợp để hỗ trợ yêu cầu của họ”, ông Austin nói thêm.

Cựu tướng 4 sao Austin cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các liên minh và chính sách ngoại giao quốc phòng mạnh mẽ, đặc biệt là với các đồng minh quan trọng và đối tác lớn như Ấn Độ, những quốc gia có chung quan điểm về mối đe dọa từ Trung Quốc.

“Tôi sẽ tiếp tục coi Ấn Độ là đối tác quốc phòng quan trọng và tiếp tục củng cố mối quan hệ này dựa trên hợp tác quốc phòng mạnh mẽ để đảm bảo quân đội Mỹ và Ấn Độ có thể hợp tác để giải quyết các lợi ích chung”, ông Austin nói.

Hoàng Phạm/VOV.VN

Tin mới