Việc giải tán Chính phủ sẽ không tác động nhiều đến mối quan hệ của Nga với các quốc gia khác vì nguyên thủ quốc gia là người xác định chính sách đối ngoại của đất nước, ông Andrei Bystritsky, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổ chức hỗ trợ và phát triển Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, nói với TASS hôm 15/1.
"Chính phủ giải tán sẽ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại. Sẽ có một số thay đổi nhỏ nhưng điều đó không có ý nghĩa, vì chính sách đối ngoại của Nga do Tổng thống quyết định. Tổng thống Putin tiếp tục hành động và tuyên bố rõ ràng các mục tiêu trước mắt của chính sách đối ngoại của Nga phải giải quyết, bao gồm vai trò của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…”, ông Andrei Bystritsky nói.
Ông Medvedev và các thành viên Chính phủ Nga hôm 15/1 tuyên bố từ chức. (Ảnh: TASS)
Khi được hỏi các quốc gia khác sẽ cảm nhận thế nào về việc từ chức của toàn bộ thành viên chính phủ Nga, nhà khoa học chính trị chỉ ra rằng việc giải tán Chính phủ “về cơ bản không có ảnh hưởng đến quan hệ của Nga với các nước".
"Tôi không nghĩ rằng việc từ chức của toàn bộ thành viên Chính phủ sẽ làm lung lay nhận thức về Nga của các nước khác, kể cả các nước phương Tây. Điều mà họ quan tâm đó là việc ai sẽ chịu trách nhiệm về một số lĩnh vực nhất định trong chính phủ Nga - người sẽ xử lý chính sách đối ngoại, kinh tế... Sẽ rất tò mò, vì những người mới thay thế có thể mang đến những điều thú vị. Tôi nghĩ rằng việc thành lập một Chính phủ mới sẽ thu hút sự quan tâm của bên ngoài hơn là việc giải tán chính phủ", ông Andrei Bystritsky cho hay.
Ông Andrei Bystritsky, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổ chức hỗ trợ và phát triển Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai (Ảnh: Getty)
Chuyên gia Andrei Bystritsky chỉ ra rằng, ở nước Nga, ông Putin đã chỉ rõ các vấn đề cản trở sự tăng trưởng của Nga.
"Kinh tế, y tế và giáo dục. Chúng ta nên mong đợi những thay đổi nhất định trong các lĩnh vực này. Việc giải tán Chính phủ mở đường cho Tổng thống thực hiện một số cải tổ cần thiết để thực hiện kế hoạch của mình", ông Andrei Bystritsky nói.
Hôm 15/1, trong cuộc họp của Tổng thống Putin với các thành viên nội các, Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố giải tán Chính phủ phù hợp với Điều 117 của Hiến pháp Nga.
Trong thông điệp liên bang thường niên, Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi tới Quốc hội Liên bang (cả hai viện của Quốc hội Nga) đưa đề xuất sửa đổi Hiến pháp Nga. Cụ thể, ông đề cập đến việc ủy quyền cho Duma Quốc gia (Hạ viện) thẩm quyền phê chuẩn ứng cử viên Thủ tướng, cùng với các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng được đề cử bởi Thủ tướng mới. Hơn nữa, Tổng thống sẽ có nghĩa vụ bổ nhiệm các ứng cử viên được xác nhận bởi Hạ viện.