Theo một hồ sơ được công bố hôm 18/11, China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - sẽ huy động được khoảng 273 triệu USD thông qua việc bán nốt cổ phần trong công ty sản xuất phim và phát trực tuyến HengTen Networks.
Theo Bloomberg, trong phiên giao dịch sáng 18/11, giá cổ phiếu của China Evergrande lao dốc 1%. Trong khi đó, cổ phiếu của HengTen tăng giá 23%.
China Evergrande là nhà phát hành trái phiếu bằng đồng USD lớn nhất trong số các công ty bất động sản Trung Quốc. Tuy nhiên, tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn đang trượt đến bờ vực phá sản.
Từ quý I đến quý III/2010, China Evergrande là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc (tính theo diện tích). Năm 2017, ông Hứa trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Nhưng giờ, China Evergrande đang trượt đến bờ vực phá sản.
"Như muối bỏ bể"
Hôm 11/11, China Evergrande được cho là đã kịp thời thanh toán khoản lãi trái phiếu 148 triệu USD và tránh khỏi một vụ vỡ nợ. Nhưng một số nhà đầu tư cho biết vẫn chưa được trả tiền.
Hôm 11/10, China Evergrande đã không thể thanh toán 148 triệu USD lãi trái phiếu coupon đến hạn. Thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày. Nếu vẫn chưa trả lãi vào ngày 10/11, tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn sẽ vỡ nợ.
Trước đó, China Evergrande đã 2 lần thoát vỡ nợ vào phút chót. Tập đoàn thanh toán chậm ngay trước khi kết thúc khoảng thời gian ân hạn.
China Evergrande cũng đã khởi động lại việc xây dựng các dự án nhà ở. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với khoản phải trả hàng trăm tỷ USD của tập đoàn.
Tập đoàn của tỷ phú Hứa từng cảnh báo rằng có thể không trả được khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Giới quan sát lo ngại hố nợ của China Evergrande sẽ lây lan sang lĩnh vực bất động sản và thị trường tài chính.
Hồi tháng 8, China Evergrande cũng buộc phải dừng thi công một số dự án nhà ở do chưa thể trả tiền nhà cung cấp và những đối tác khác. Điều đó làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ phía các khách hàng. Họ đã trả trước cho China Evergrande để mua những căn hộ chưa hoàn thành.
China Evergrande đã trả lãi trái phiếu kịp thời và khởi động lại việc xây dựng các dự án nhà ở. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với khoản phải trả hàng trăm tỷ USD của tập đoàn. (Ảnh: Reuters)
Từ quý I đến quý III/2010, China Evergrande là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc (tính theo diện tích). Năm 2017, ông Hứa trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.
Nhưng chiến lược vay nợ để mở rộng ồ ạt của tỷ phú Hứa Gia Ấn đã đẩy China Evergrande đến bờ vực phá sản, nhất là sau khi Bắc Kinh bắt đầu thắt chặt kiểm soát và hạ đòn bẩy trong thị trường bất động sản.
Theo hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán Hong Kong, China Evergrande đã đạt thỏa thuận bán khoảng 1,66 tỷ cổ phiếu HengTen cho Allied Resources Investment Holdings với giá 1,28 HKD/cổ phiếu. Mức giá đó thấp hơn khoảng 24% so với giá đóng cửa của HengTen hôm 17/11 (1,69 HKD/cổ phiếu).
Công ty con Ruyi Films của HengTen là một trong những nhà sản xuất của Hi, Mom, một bộ phim ăn khách ở Trung Quốc vào đầu năm nay.
Bộ phim thu về 5,41 tỷ NDT, tương đương khoảng 838 triệu USD vào thời điểm đó, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất của một đạo diễn nữ, theo nền tảng bán vé Maoyan của Trung Quốc.
Xoay xở kiếm tiền
Trước đó, China Evergrande đã huy động được khoảng 144 triệu USD nhờ bán cổ phần trong HengTen.Theo truyền thông Hong Kong, ông Hứa đang dùng một biệt thự tại thành phố làm tài sản thế chấp cho khoản vay ở ngân hàng. Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết China Evergrande đã có thêm 50 triệu USD tiền mặt sau khi bán 2 chuyên cơ.
Nhưng China Evergrande vẫn đối mặt với khoản nợ lớn hơn nhiều trong những tháng tới. Theo các nhà phân tích của Moody's và S&P Global Ratings, tập đoàn của ông Hứa sẽ phải thanh toán 8 tỷ USD lãi và gốc trái phiếu nước ngoài vào năm 2022.
Theo Bloomberg, các quan chức Bắc Kinh yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ hơn 300 tỷ USD của tập đoàn bất động sản này.
China Evergrande sẽ phải thanh toán 8 tỷ USD lãi và gốc trái phiếu nước ngoài trong năm tới. Dường như tỷ phú Hứa không thể tự mình giải quyết vấn đề của tập đoàn. (Ảnh: Reuters)
Kể từ khi China Evergrande chào sàn Hong Kong vào năm 2009, ông Hứa đã thu về 7 tỷ USD cổ tức. Ông sử dụng 3,3 tỷ USD mua cổ phiếu, trái phiếu của công ty và tài sản. Nhưng vẫn không rõ nhà sáng lập China Evergrande còn đầu tư vào những nơi nào khác.
Theo CNN, dường như ông Hứa không thể tự mình giải quyết vấn đề của China Evergrande. Khoản phải trả của tập đoàn lên tới hơn 300 tỷ USD. Trong khi đó, tài sản cá nhân của ông chỉ khoảng 7,2 tỷ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index.
Nhưng theo chuyên gia Peter Cai tại Lowy Institute, việc ông Hứa bỏ tiền túi trả nợ "mang giá trị tượng trưng lớn hơn nhiều so với khả năng trả hết khoản nợ".