Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến sỹ đứng nhìn dân vật lộn kẻ cướp hung ác là nỗi đau của công an chân chính

(VTC News) -

Khi chứng kiến vụ việc công an đứng nhìn, bấm điện thoại tại hiện trường vụ lái xe taxi khống chế tên cướp ở Hà Nội, tôi tin rằng, đó là một nỗi đau từ nhiều phía!

Ngày hôm qua, dư luận xôn xao khi xem clip lái xe taxi vật lộn, khống chế tên cướp ở đường Cienco 5 (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Xôn xao vì hình ảnh quá chân thực, cho thấy lái xe taxi đã quyết liệt, chiến đấu mạnh mẽ ra sao để quật ngã kẻ cướp manh động, dù trước đó, nam tài xế đã bị đâm trọng thương.

Và dư luận cũng xôn xao vì trong khuôn hình ấy, một người đàn ông mặc chiếc quần cảnh phục của ngành công an đã đứng, bấm điện thoại và... nhìn, trong khi người dân khác còn lao vào hỗ trợ lái xe taxi.

"Chắc anh ta (người mặc chiếc quần công an) không phải là công an thật đâu! Làm gì có chuyện công an mà lại phản ứng như thế?", là lời bình luận của đa số người xem clip.

Đúng thật!

Chẳng cần là công an, mà chỉ là người dân có mặt tại hiện trường, chứng kiến cảnh đó, thì khó ai có thể bàng quan mà coi như "không phải việc của mình".

Thế nhưng, thứ suy nghĩ tự trấn an và lý giải ban đầu nói trên, đã sai!

Chiều 17/5, lãnh đạo Công an huyện Thanh Oai đã thông tin người đàn ông đứng bấm điện-thoại và nhìn ở hiện trường đó, là công an... thật!

Ban đầu, viên đại úy công an đứng ở vỉa hè... nhìn, gọi điện thoại.

Anh ta là một cán bộ công an mang quân hàm đại úy, công tác tại Công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Là một đại uý công an thì thời gian công tác trong ngành của người đó không hề ngắn!

Vậy, tại sao... anh ta lại phản ứng một cách bàng quan, đến mức dù là một người bình thường, cũng khó ai có thể thờ ơ đến mức như vậy?

Tôi không trả lời được!

Nhiều người chắc cũng không trả lời được!

Và đương nhiên, quyết định kỷ luật cảnh cáo viên đại úy đó, mà Công an huyện Thanh Oai vừa đưa ra, cũng không trả lời (thỏa đáng) được nốt!

Có lẽ nên nhìn nhận sự bàng quan của viên công an đó là một... nỗi đau. Chỉ có vậy, thì câu hỏi khó trả lời ở trên mới trở nên dễ hiểu mà thôi!

Đó là nỗi đau của người dân, khi chứng kiến một người đại diện cho lực lượng thực thi pháp luật - vốn luôn được coi là mũi nhọn tuyến đầu chống lại tội phạm nhưng lại bàng quan đến không thể giải thích nổi!

Đó là nỗi đau của chính những cán bộ công an chân chính, những người hiểu và ý thức về vai trò, ý nghĩa của sắc áo cảnh phục xanh mà họ mang trên người khi họ phải xem hình ảnh đồng đội của mình... bàng quan như vậy.

Khi có người dân vào hỗ trợ lái xe taxi khống chế tên cướp, viên công an mới đến gần, tiếp tục... gọi điện thoại và nhìn nhưng vẫn không có hành động can thiệp.

Và đó có lẽ cũng là nỗi đau của chính viên công an liên quan sự việc, bởi giờ, anh nên hiểu rằng, anh đã chọn sai ngành nghề cho bản thân. Thực sự, anh không phù hợp, cũng không xứng đáng với chiếc áo, chiếc quần ngành mà anh vẫn đang mang trên người.

Dù không muốn, nhưng tôi phải nói thành thật như vậy!

Cần phải nhắc thêm rằng, Thông tư 10/2010/TT-BCA(XII) của Bộ Công an có điều khoản xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ, nếu: "Trong chiến đấu hoặc trong tình thế khẩn cấp không nêu cao tinh thần trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc hoặc không tích cực chiến đấu bảo vệ chế độ, tài sản Nhà nước; tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân".

Có lẽ chưa cần đọc điều khoản trên, bất kỳ cán bộ công an nào cũng hiểu vai trò, nhiệm vụ của họ, một khi đã khoác lên mình bộ cảnh phục Công an Nhân dân.

Sau khi sự việc thu hút quan tâm của dư luận, đã có người liên tưởng việc này tới vụ một trung tá CSGT đứng nhìn cô gái bị đâm giữa phố, hồi tháng 4/2019 tại TP Ninh Bình.

Tuy nhiên, vụ việc đó còn dễ "giải thích" hơn so với sự việc lần này - bởi kẻ thủ ác ở Ninh Bình gây án điên cuồng với hung khí trong tay. Còn ở sự việc tại Hà Nội, kẻ cướp thậm chí đã bị người dân khống chế rồi!

Câu chuyện lần này, như đã viết ở trên, đơn giản là không thể giải thích nổi, ngoài việc gọi tên, đó là một nỗi đau!

Bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Trung Hiếu

Tin mới