Incognito Mode (chế độ ẩn danh) là một tính năng trên trình duyệt Chrome cho phép "giấu kín mọi thông tin, thao tác truy cập web của người dùng". Tuy nhiên, theo Gizchina, chế độ này chỉ xóa lịch sử tìm kiếm, truy cập web với những người dùng sau mỗi phiên sử dụng chứ không hề ngăn chặn Google hoặc đối tác quảng cáo theo dõi và kiếm tiền từ lịch sử duyệt web của người dùng khi bật tính năng này.
Cũng theo tờ Bloomberg, người đứng đầu bộ phận tiếp thị của Google Lorraine Twohill từng viết email cho CEO Sundar Pichai và yêu cầu ông này cải thiện độ riêng tư trong chế độ ẩn danh. Theo bà Twohill, việc chế độ được này không thực sự riêng tư sẽ khiến người dùng mất niềm tin vào các sản phẩm từ gã khổng lồ tìm kiếm.
Lorraine Twohill, Giám đốc tiếp thị (CMO) của Google đã từng gửi email yêu cầu CEO Sundar Pichai mang chế độ ẩn danh về đúng mục đích của nó
Thông tin này chỉ là một phần trong hồ sơ được được tòa án công khai liên quan đến vụ kiện trị giá 5 tỷ USD về quyền riêng tư mà Google đang đối mặt. Trong đó, không riêng gì bà Twohill, nhiều nhân viên cũng đã lên tiếng chỉ trích về sự thiếu bảo mật trong chế độ ẩn danh kể từ năm 2018. Một nghiên cứu thực hiện nội bộ cho thấy chỉ 56,3% trong số 460 người dùng nghĩ việc sử dụng chế độ ẩn danh (Incognito Mode) thực sự giữ kín thông tin của họ.
Tổng chưởng lý Texas, ông Ken Paxton nhấn mạnh các tuyên bố của Google về chế độ ẩn danh là "sai sự thật, lừa đảo và gây hiểu lầm". Trong khi đó, gã khổng lồ tìm kiếm vẫn bác bỏ các cáo buộc này.
Chế độ ẩn danh trên trình duyệt Google Chrome được cho là không bảo mật như hãng này quảng cáo
Theo Google, các biện pháp kiểm soát quyền riêng tư của người dùng đã được tích hợp vào các dịch vụ của hãng từ rất lâu và công ty luôn khuyến khích nhân viên thảo luận hoặc xem xét các ý tưởng để cải thiện tính bảo mật trong các sản phẩm.
"Chế độ ẩn danh cung cấp cho người dùng trải nghiệm duyệt web riêng tư và chúng tôi đã nói rõ về cách thức hoạt động cũng như chức năng của nó, trái với các cáo buộc hiện tại rõ ràng đang cố tình hiểu sai các tuyên bố của chúng tôi", Google cho biết trong thông báo mới nhất.
Cũng theo tài liệu của tòa án, một kỹ sư của Google tuyên bố cần ngừng gọi chế độ này là duyệt web ẩn danh cũng như bỏ biểu tượng Spy Guy (đặc trưng của chế độ này). "Các nghiên cứu công khai cho thấy người dùng không nhận thức được đầy đủ về cách hoạt động của tính năng này. Điều công ty cần là truyền tải chính xác mức độ riêng tư mà nó thực sự cung cấp".
CEO Sundar Pichai đã từng phải điều trần trước Quốc hội Mỹ vì các nghi ngờ về xâm phạm quyền riêng tư người dùng
Đơn kiện Google vi phạm quyền riêng tư của hàng triệu người dùng, khi theo dõi hoạt động của họ trên Internet dù trình duyệt để ở chế độ ẩn danh, được nộp lên tòa án vào giữa năm 2020.
Theo cáo buộc, thông tin người dùng trong nhiều năm qua đã được thu thập qua Google Analytics, Google Ad Manager và các ứng dụng di động khác cũng như plug-in trên website. Điều này giúp Google biết về các mối quan hệ, sở thích, thói quen mua sắm, món ăn yêu thích và thậm chí cả những bí mật thầm kín hoặc đáng xấu hổ của người dùng thông qua những gì họ tìm kiếm trên mạng.
Với các nghiên cứu và tuyên bố ở phần trên, vấn đề quyền riêng tư khi duyệt web thông qua Google Chrome có bị ảnh hưởng hay không theo PV nhận định là tùy vào góc nhìn và thói quen sử dụng của từng người.
Hệ thống lưu trữ thông tin thanh toán của Google Chrome hoạt động ổn định và bảo mật
Trước tiên là về mặt an toàn, Google Chrome vẫn là một trong những trình duyệt tích hợp nhiều công cụ bảo vệ người dùng trước những rủi ro về mặt bảo mật mà chúng ta vẫn hay sử dụng như: Gợi ý đặt mật khẩu mạnh; hệ thống lưu trữ mật khẩu website, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng; tự động cấm truy cập vào các website không an toàn, có nguy cơ chứa malware...
Bản thân PV đã sử dụng Google Chrome hơn 10 năm qua và có sử dụng hệ thống lưu trữ mật khẩu, thẻ ngân hàng nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa gặp phải vấn đề gì về rò rỉ thông tin hay 'hack thẻ'.
Có thể tạm nhận định rằng nguy cơ về việc xâm phạm dữ liệu cá nhân trên Internet là vẫn có nhưng đến từ các nguồn cơn khác như: Bị cài phần mềm keylog, truy cập vào các đường link chứa virus...
Xét đến khía cạnh quyền riêng tư, nếu như những cáo buộc ở trên là đúng thì Google cũng chỉ đã và đang theo dõi lịch sử và thói quen truy cập web của người dùng để cá nhân hóa việc phân bổ các loại hình quảng cáo thích hợp.
Trên cơ sở đó, đôi khi chúng ta hay gặp phải trường hợp đang chat với bạn bè hay tìm kiếm một món vật phẩm nào đó là ngay lập tức các loại hình quảng cáo sẽ tràn ngập trên email, mạng xã hội... Cho đến sau cùng, Google, Facebook hay bất cứ mạng xã hội nào khác về cơ bản vẫn là những công ty chuyên về quảng cáo.
Chính vì thế, việc xem nhiều quảng cáo hơn ít nhiều sẽ gây khó chịu cho nhiều người. Nhưng công bằng mà nói, quảng cáo đôi khi cũng có lợi khi giúp chúng ta nhanh chóng có được gợi ý cho những món đồ đang muốn mua sắm và không mất quá nhiều thời gian 'lần mò' trên các website như trước đây.