Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chanh leo có tác dụng gì?

(VTC News) -

Chanh leo là loại quả vị chua thanh được nhiều người yêu thích, vậy quả chanh leo có tác dụng gì?

Chanh leo hay còn gọi là chanh dây là loại trái cây nhiệt đới có vị chua thanh được nhiều người yêu thích. Vậy chanh leo có tác dụng gì?

Tổng quan về chanh leo

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết chanh leo là quả của cây Passiflora, một loại hoa thuộc chi Lạc tiên. Nó có lớp vỏ bên ngoài cứng, bao bọc một lớp hạt bên trong. Có nhiều giống chanh leo khác nhau về kích thước và màu sắc, trong đó các giống màu tím và vàng là loại phổ biến nhất.

Cụ thể, Passiflora edulis. Quả chanh dây nhỏ hình tròn hoặc hình bầu dục, vỏ bên ngoài màu tím. Passiflora flavicarpa hình dạng tròn hoặc bầu dục, vỏ màu vàng và kích thước thường lớn hơn một chút so với loại màu tím.

Mặc dù chanh leo là loại trái cây xuất xứ nhiệt đới, một số giống vẫn có thể tồn tại ở vùng khí hậu cận nhiệt đới. Vì lý do này, mà chanh leo được trồng ở khắp nơi trên thế giới, cả ở Châu Á, Châu Âu, Châu Úc cũng như Nam và Bắc Mỹ.

Chanh leo có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người.

Chanh leo có tác dụng gì?

Theo các chuyên gia hơn 550 loài chanh leo khác nhau được thu hoạch trên khắp thế giới nhưng phổ biến nhất là loại chanh leo có màu tím hoặc vàng nhạt. Dưới đây là giá trị dinh dưỡng của chanh leo và tác dụng của chanh leo với sức khỏe.

Thành phần dinh dưỡng của chanh leo

Chanh leo là nguồn cung cấp dinh dưỡng và khoáng chất dồi dào, đặc biệt là chất xơ, vitamin C và vitamin A. Ước tính trong một quả chanh leo tím có chứa:

  • Lượng calo: 17 calo
  • Chất xơ: 2 gam
  • Vitamin C: 9% giá trị hàng ngày (DV)
  • Vitamin A: 8% DV
  • Sắt: 2% DV
  • Kali: 2% DV

Mặc dù trông có vẻ không nhiều nhưng đây lại là lượng dinh dưỡng có trong một loại trái cây nhỏ chỉ với 17 calo. Nó còn cung cấp chất xơ, vitamin C và vitamin A, giàu các hợp chất thực vật có lợi, bao gồm cả carotenoid và polyphenol.

Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy, chanh leo giàu polyphenol hơn nhiều loại trái cây nhiệt đới khác như vải, xoài, chuối, đu đủ và dứa. Ngoài ra, quả chanh leo cũng cung cấp một lượng nhỏ chất sắt.

Cơ thể của bạn thường không dễ hấp thụ chất sắt từ thực vật. Tuy nhiên, chất sắt trong chanh leo lại đi cùng rất nhiều vitamin C, được biết là có tác dụng tăng cường khả năng hấp thu sắt.

Tác dụng của chanh leo đối với sức khỏe

Dưới đây là những tác dụng của chanh leo đối với sức khỏe bạn không nên bỏ qua:

Chanh dây chứa nhiều vitamin C

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn tờ Femmeactuelle.fr, Netdoctor.uk cho biết, Vitamin C là loại vitamin thiết yếu mà cơ thể bạn không thể tự sản xuất và dự trữ - vì vậy bạn cần phải bổ sung nhiều qua chế độ ăn uống của mình. Vitamin C cần thiết cho các chức năng khác nhau của cơ thể, bao gồm cả sự phát triển và phục hồi của các mô và xương. Vitamin C cũng giúp tăng cường sự hấp thụ sắt. Điều này rất quan trọng, vì cơ thể bạn thường không hấp thụ tốt chất sắt từ thực vật.

Chanh dây rất giàu vitamin A

Chanh dây chứa một lượng vitamin A ấn tượng. Vitamin A là loại vitamin hòa tan trong chất béo giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Vitamin A cần thiết cho thị lực, da, xương và tái tạo tế bào. Vitamin A được dự trữ trong cơ thể bạn, chủ yếu là ở gan. Chanh dây cũng chứa beta-carotene, được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể chúng ta khi cần thiết.

Chanh dây chứa nhiều chất xơ

Chất xơ rất quan trọng để có đường ruột khỏe mạnh. Một quả chanh dây cung cấp 2g chất xơ, hầu hết trong số đó là chất xơ hòa tan, sẽ chuyển thành chất giống như gel trong quá trình tiêu hóa. Điều này làm chậm quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng tăng đột biến lượng đường trong máu.

Chất xơ hòa tan cũng làm giảm lượng chất béo mà cơ thể bạn hấp thụ. Chế độ ăn giàu chất xơ hỗ trợ tiêu hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như bệnh tim mạch, đái tháo đường và béo phì.

Chanh leo giàu chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, là những phân tử không ổn định có thể làm hỏng tế bào khi xuất hiện với số lượng lớn. Chanh dây chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và giàu vitamin C, beta carotene (tiền vitamin A) và polyphenol.

Polyphenol là các hợp chất thực vật có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, đồng nghĩa với việc làm giảm nguy cơ bị viêm và các tình trạng mãn tính như bệnh lý tim mạch.

Vitamin C là chất chống oxy hóa quan trọng mà bạn cần bổ sung từ chế độ ăn uống hàng ngày. Nó hỗ trợ hệ thống miễn dịch và để quá trình lão hóa diễn ra cân bằng và khỏe mạnh.

Beta carotene (tiền vitamin A) cũng là chất chống oxy hóa quan trọng. Cơ thể của bạn chuyển hóa nó thành vitamin A, rất cần thiết để duy trì thị lực tốt. Chế độ ăn giàu beta carotene có nguồn gốc thực vật có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết, dạ dày và vú.

Hạt chanh dây cũng chứa nhiều piceatannol một loại polyphenol giúp cải thiện độ nhạy insulin ở nam giới bị thừa cân, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung.

Vỏ chanh dây có tác dụng giảm viêm

Hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong vỏ chanh dây có thể mang lại tác dụng chống viêm mạnh mẽ nếu được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung. Một nghiên cứu nhỏ điều tra tác động của vỏ chanh dây tím đối với các triệu chứng của bệnh hen suyễn trong 4 tuần. Kết quả nhóm dùng chất bổ sung đã giảm được tình trạng thở khò khè, ho và khó thở.

Trong một nghiên cứu khác ở những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, những người dùng chiết xuất vỏ chanh dây tím cho biết ít bị đau và cứng khớp hơn những người không dùng chất bổ sung.

Nhìn chung, công dụng của chất chống oxy hóa đối với chứng viêm và đau ở những người bị viêm xương khớp vẫn chưa rõ ràng và cần có những nghiên cứu bổ sung để chứng minh thêm.

Tác dụng phụ của chanh dây cần thận trọng

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn tờ Femmeactuelle.fr, Netdoctor.uk cho biết, mặc dù chanh dây nói chung là an toàn để ăn, nhưng nó có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người. Những người bị dị ứng nhựa mủ có nguy cơ cao nhất bị phản ứng với chanh dây, bởi vì một số protein của thực vật có cấu trúc tương tự như cấu trúc của protein latex.

Ngoài ra, chanh dây có chứa một lượng nhỏ độc tố gọi là cyanogenic glycoside. Nó tập trung nhiều nhất ở một số loại vỏ quả chanh dây, cũng như cùi quả chanh dây chưa chín.

Cyanogenic glycoside có thể gây ngộ độc xyanua với lượng lớn, vì vậy hãy tránh ăn nhiều trái cây chưa chín và không ăn vỏ trừ khi nó được chiết xuất và chế biến dưới dạng thực phẩm bổ sung.

Hạ An (Tổng hợp)

Tin mới