Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cầu thủ trẻ bỏ bóng đá, đi chạy xe ôm, mong CLB Hà Nội thanh lý hợp đồng

Không thể tiếp tục chơi bóng, cầu thủ trẻ Phan Bá Hoàng phải đi làm xe ôm công nghệ ở miền Tây, chỉ mong được Hà Nội FC tạo điều kiện thanh lý hợp đồng.

4 ngày trước, người hâm mộ truyền tay nhau thông tin Phan Bá Hoàng - cầu thủ trẻ mới 21 tuổi phải bỏ bóng đá để theo nghề xe ôm công nghệ. Phóng viên Tạp chí Bóng đá đã có cuộc trao đổi với anh để tìm hiểu đâu là lý do khiến Bá Hoàng không theo nghiệp quần đùi áo số. 

- Xin chào Phan Bá Hoàng, gần đây tôi hay tin bạn không còn chơi bóng mà chuyển sang làm xe ôm công nghệ ở Cần Thơ. Lý do của chuyện này là thế nào? 

Chuyện nói thì dài lắm. Nhưng vắn tắt là thế này, cuối năm 2017, tôi tốt nghiệp PVF và thi đấu cho B.Bình Dương. Nhưng vì chuyện hợp đồng và cũng vì chuyên môn nên tôi được một thầy giới thiệu về Hà Nội B của thầy Phạm Minh Đức vào năm 2018. Sau đó, đội Hà Nội B được chuyển giao cho Hà Tĩnh và lấy tên là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Tôi cùng 10 cầu thủ thi đấu theo dạng cho mượn, trước khi quay lại Hà Nội. Rồi tôi được giao cho HLV Dương Hồng Sơn. Nhưng thật không may, tôi bị chấn thương lưng và không thể hiện được nhiều trong thời gian dài. 

Bá Hoàng làm xe ôm công nghệ ở Cần Thơ. (Ảnh: Cầu thủ)

HLV Dương Hồng Sơn có gọi tôi lên nói chuyện và quyết định ký vào văn bản đề xuất thanh lý. Bản thân bác Dương Nghiệp Khôi - Giám đốc Trung tâm trẻ Hà Nội cũng ký vào văn bản kể trên. Nhưng suốt từ tháng 6 đến nay, Hà Nội FC vẫn chưa chốt xong việc thanh lý cho tôi.

Ở nhà mãi cũng không được. Tôi phải đi kiếm tiền để nuôi sống bản thân. Tôi quyết định vào Cần Thơ và làm xe ôm công nghệ, giao đồ ăn trong đó. 

- Vì sao lại là Cần Thơ? 

Nói thật với anh là trong này có gia đình của người yêu tôi. Tôi cũng vào Cần Thơ nhiều lần. Tôi nhận thấy đường xá ở Cần Thơ không đến nỗi phức tạp như Hà Nội hay TP.HCM.

Thêm nữa là nhu cầu ăn uống, đặc biệt là đặt hàng trực tuyến tại Cần Thơ là rất lớn. Nên tôi quyết định vào đây làm việc. Chiếc xe cũng là do gia đình tôi gom góp và chuyển vào đây để làm cần câu cơm kiếm sống. 

- Anh đã bắt tay vào công việc mới được bao lâu rồi? Nó có khác biệt lớn so với khi còn đá bóng không? 

Tính đến nay là khoảng hơn 10 ngày. Mấy ngày đầu, tôi chạy xe không quen. Tôi phải tìm đường từ từ. Rồi tôi lạc đường, say nắng, rồi hít khói bụi nữa nên mệt mỏi. Cũng vì thế mà có 2 ngày đầu tôi rơi vào tình cảnh vừa bị sốt những vẫn phải đi làm. 

Có những lúc chạy xe, tôi thả suy nghĩ của mình miên man theo con đường và đặt câu hỏi rằng: Sao tự nhiên mày lại đi làm thế này hả Hoàng? Nhưng suy cho cùng, tôi phải làm vì bản thân mình trước đã. Không sớm thì muộn, tôi cũng phải bươn chải với khó khăn của cuộc đời thôi.

Ai cũng có nỗi khổ riêng. Nhưng mình cứ nghĩ: Khổ nhưng mình cố gắng làm được, thoải mái với công việc hiện tại là tốt rồi.

Bá Hoàng một thời được lên đội U18 Việt Nam. (Ảnh: Thiên Minh)

- Hiện giờ anh ở nhờ nhà người yêu hay thế nào? Một ngày chạy xe như vậy, anh kiếm được bao nhiêu? 

Không. Tôi ở trọ. Nhà trọ rộng chỉ khoảng 10-15 m2 thôi. Tính cả tiền nhà, điện, nước thì tôi trả từ 1 triệu đến 1 triệu 700 ngàn/tháng. Còn công việc thì cứ buổi sáng từ 8h30 tôi ra đường.

Đến khoảng 20-21h00 tối thì tôi về. Tôi cố gắng chạy đủ mốc mà mình đặt ra thì mới về. Mốc mà tôi đặt ra ban đầu là cố gắng chạy đủ đơn với giá khoảng 200.000 đồng/ngày.  

- Quay trở lại với bóng đá, ở bài báo nọ, anh nói mình lạc lõng tại Hà Nội FC. Câu chuyện ấy là thế nào? 

Thực tình có những lúc tôi không dám nghĩ về thành phố Hà Nội. Bởi tôi có cảm giác mình không thuộc về nơi ấy. Chuyện là sau khi tôi cùng Việt Anh, Xuân Tú, Đình Hai, Văn Xuân… được trả lại cho Hà Nội vào đầu năm nay thì tôi không có tên trong danh sách.

Ở đội hình chính không có tên tôi là ai. Ở đội trẻ cũng không rõ tên tôi. Tôi đứng ở khoảng giữa khá lạc lõng. Tôi có xin nói chuyện với thầy Dương Hồng Sơn và thầy Sơn có giới thiệu tôi lên đội hình chính. Nhưng rồi tôi vẫn lạc lõng trong dòng người. Có đợt đầu năm đội đi xuyên Việt xuống Đà Nẵng.

Tôi còn nửa đùa nửa thật trong suy nghĩ của mình là có lẽ đi xuống Đà Nẵng rồi về liệu mình có suất để quay lại không. Đúng là thế thật. Tôi không có tên trong danh sách. Tôi có trao đổi với một thầy trợ lý của Hà Nội thì thầy nói sẽ mua vé bổ sung cho tôi.

Nhưng tôi sau đó xin mình đi theo xe ô tô của đội trở về Hà Nội. Hành trình đi mất 1 ngày 1 đêm. Tôi cũng buồn. Cùng là cầu thủ như nhau mà tôi lại lận đận vậy.

- Lúc này, anh cũng xác định sẽ không ở lại Hà Nội FC. Mọi thứ lúc này chỉ là chờ giấy thanh lý. Vậy rồi sau đó, hướng đi của anh sẽ là thế nào?

Tôi nghĩ việc làm xe ôm công nghệ cũng chỉ là tạm thời trước mắt. Tôi muốn có một khoản tiền để đi học một cái nghề gì đó, cắt tóc chẳng hạn. Nói về bóng đá, nhiều khi tôi cũng nản. Nhiều chuyện xảy đến với tôi.

Nhiều khi tôi nghĩ, cuộc sống lúc này của mình cần tìm miếng sinh nhai mới là điều cần thiết. Vì vậy tôi cố gắng đi làm, để ít nhất biết rằng mình đang có một công việc nuôi sống mình.

Nói là chán bóng đá thế nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn hy vọng được Hà Nội FC tạo điều kiện thanh lý sớm hợp đồng. Có những lúc, tôi vẫn mong mình được một lần chơi bóng chuyên nghiệp nữa.

Lúc này, khi bươn chải ngoài cuộc sống, tôi mới biết công việc ngoài xã hội khó khăn đến nhường nào. Và cũng chính vì cực khổ như vậy, tôi càng thêm trân quý quãng thời gian mà mình từng gắn bó với bóng đá. 

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi. 

Nguồn: Tạp chí Bóng đá

Tin mới