Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cắt giảm, sa thải nhân sự: Cái nhìn của người trong cuộc

(VTC News) -

Nhiều doanh nhân cho rằng, việc tinh giản đội ngũ nhân sự là quy luật đào thải bình thường để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bớt cồng kềnh hơn.

Từng thoát “chết” nhờ cắt giảm nhân sự

Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Hyundai Nam Định cho biết, thời điểm đó, doanh nghiệp của ông phải chủ động cắt giảm tới 70% nhân sự, chỉ duy trì 1/3 so với bình thường.

“Chúng tôi chỉ giữ lại bộ khung xương sống của công ty, để đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp. Lúc đó, nếu không kiên quyết cắt giảm thì chúng tôi phải bù lỗ quá nặng nề và doanh nghiệp khó có thể trụ vững. Việc cắt giảm 2/3 nhân sự đã giúp chúng tôi tiết kiệm được 2/3 số tiền trả lương, đảm bảo dòng tiền ổn định để doanh nghiệp có thể tồn tại. Sau khi bão gió qua đi, chúng tôi lại khôi phục dần quy mô ban đầu", ông Tùng kể.

Nhân sự ngành du lịch bị tác động mạnh mẽ nhất trong dịch COVID-19, nhưng việc mạnh tay cắt giảm khiến nhiều doanh nghiệp "sống sót". (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tuy nhiên, ông Tùng chia sẻ, phương án cắt giảm nhân sự của Hyundai Nam Định rất đặc biệt: “Chúng tôi cho nhân viên đi làm xoay vòng, mỗi nhóm chỉ làm 1/3 thời gian trong tháng. Như vậy, nhân viên sẽ không mất việc hoàn toàn mà chỉ giảm thu nhập, doanh nghiệp cũng không sợ thiếu người mà lại bớt được khoản lớn để trả lương. Thời điểm đó, cả nhân viên và lãnh đạo công ty đều rất đồng lòng với giải pháp này”.

Chính bởi chính sách cắt giảm nhân sự linh hoạt đó, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch. Hiện nay, nhân sự của Hyundai Nam Định đã tăng khoảng 10% so với thời điểm trước khi cắt giảm, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định.

Tương tự, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư và du lịch Vietfoot Travel cũng cho biết, thời điểm đại dịch COVID-19, doanh nghiệp của ông đã phải cắt giảm 50% nhân sự. “Dù không muốn nhưng doanh nghiệp buộc phải làm thế để đảm bảo nguồn tài chính, duy trì hoạt động. Và bây giờ khi nhìn lại, chúng tôi biết đó là quyết định đúng. Nếu không kiên quyết tái cơ cấu chắc doanh nghiệp khó có thể trụ lại như bây giờ”, ông Nghĩa nói.

Do đó, theo ông Nghĩa, dù trong bối cảnh nào, việc tinh giản nhân sự, chọn lọc những người có năng lực đồng hành cũng đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam chia sẻ, khoảng quý II/2022, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng, lại không có sản phẩm để bán.

"Thời điểm dịch COVID-19 xảy ra, công ty tôi đã bắt đầu gặp khó khăn, nhưng giai đoạn này vẫn cố cầm cự để không sa thải nhân viên nào, chỉ thực hiện việc giảm lương. Tuy nhiên, đến quý II/2022, tình hình ngày càng khó khăn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, vì vậy, lúc này buộc phải thực hiện cắt giảm nhân sự. Nếu không cơ cấu lại nguồn nhân lực thì công ty có thể phải đối mặt với nguy cơ phá sản", ông Toản kể.

Bị cắt giảm đầu tiên là những phòng, ban không cần thiết và những nhân sự trì trệ, không có ý chí nỗ lực, tìm cách thích nghi với tình hình mới.

Cụ thể, bộ phận đầu tư trước đây làm rất tốt, nhưng đến thời điểm đó lại không có việc để làm vì thị trường đang tê liệt, không có dự án hay phương án đầu tư nào, nên bộ phận này trở nên không cần thiết.

Tiếp theo là bộ phận Marketing, lúc thị trường tốt cần tiếp thị, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nhưng khi thị trường ảm đạm, không có nhiều sản phẩm để bán thì bộ phận này cũng không cần thiết.

Cuối cùng là những bộ phận không làm ra tiền nhưng vẫn hưởng lương và chi phí tài chính lớn.

"Sau khi cắt giảm lượng nhân sự này, công ty giảm khoảng 50% số tiền trả lương cho nhân viên hàng tháng và dần vượt qua bão gió. Theo tôi, việc cắt giảm nhân viên là quy luật đào thải bình thường vì có những thời điểm doanh nghiệp cần cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả và thích nghi với hoàn cảnh, biến động mới", ông Toản nêu quan điểm.

Đóng cánh cửa cũ để mở cánh cửa mới

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books nêu quan điểm: “Ở góc nhìn của tôi, tôi luôn nghĩ đến những tín hiệu tích cực, đóng cánh cửa này chắc chắn sẽ có cánh cửa khác mở ra”.

Với những người lạc quan, việc tinh giản có thể giúp người lao động tìm được công việc đúng năng lực hơn. (Ảnh minh họa: H. Linh)

Trong câu chuyện tinh gọn bộ máy hiện nay, ông nói mình nhận thấy có 3 phản ứng chung. Đầu tiên là nhiều người đang lo việc của mình trước vì nỗi trăn trở chung của hầu hết những người bị ảnh hưởng là sẽ đi đâu, làm gì. Nhóm thứ hai cơ bản là phản ứng, họ đang phản ứng tại sao phải thế này, hãy nên thế kia. Và nhóm thứ ba là phản ứng tích cực. Đó là những người đang tìm ra giải pháp trong bối cảnh khó khăn. 

"Tôi đánh giá cao câu chuyện tìm giải pháp, hướng đi mới để tiếp tục phát triển, tồn tại và khẳng định mình. Tôi mong và tin rằng nhiều người sẽ tìm ra được những giải pháp tốt, thậm chí hấp dẫn cho hướng đi mới", ông nhận định.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Toản, cho rằng việc tinh giản còn có thể giúp người lao động tìm được công việc đúng năng lực: "Trên thực tế, đôi khi người lao động làm việc kém hiệu quả không phải do năng lực mà có thể môi trường làm việc không phù hợp, không kích thích được tài năng của họ. Tôi cho rằng, cánh cửa này đóng lại, cảnh cửa khác rộng hơn sẽ được mở ra, nên đôi khi nghỉ việc cũng tạo ra cơ hội mới cho người lao động".

Ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh cũng chia sẻ hiệu quả từ thực tế tinh giản lao động ở doanh nghiệp mình: "Từ khi thay đổi mô hình làm việc và nhân sự, công ty tôi không chỉ giảm được chi phí mà bản thân người lao động cũng có sự thay đổi. Ai cũng phải tự nỗ lực nhiều hơn để khẳng định mình. Nhờ đó, năng lực của họ cũng được trau dồi và nâng cao, thích nghi với bối cảnh mới. Do đó, cần nhìn nhận tích cực về tinh giản biên chế, thay vì kêu khó và không thích nghi", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, với ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Du lịch Việt, tinh giản có thể là bố trí, sắp xếp lại hợp lý giữa bộ phận này với bộ phận khác, hạn chế thấp nhất việc nhân sự bị mất việc. 

Tại doanh nghiệp của ông Vũ, bộ phận làm thủ công trước đây là bán vé máy bay, bán tour, nhân viên kinh doanh làm việc trực tiếp tại văn phòng, hay các nhân viên điều hành tại chỗ ở các văn phòng địa phương... nay được giảm tải nhờ doanh nghiệp áp dụng công nghệ. Rõ nhất là nhóm nhân viên bán vé máy bay đang giảm đến 70-80%, bởi lượng khách mua vé máy bay tại văn phòng cũng giảm ở mức này.

Tuy nhiên, những nhóm nhân viên này được bổ sung sang bộ phận công nghệ phía sau. Họ bán hàng, giao tiếp online với khách, trả lời các thắc mắc của khách và hỗ trợ, xử lý nhanh nhất có thể các yêu cầu của khách từ khi đặt tour đến khi ra sân bay, ở điểm đến…

Vì vậy, theo ông Vũ, công cuộc tinh giản ở mỗi doanh nghiệp cần sự linh hoạt, không áp dụng rập khuôn mà phải tùy thuộc vào tình hình thực tế. Có như vậy, công cuộc cải tổ doanh nghiệp mới đạt hiệu quả cao.

Nhóm PV

Tin mới