Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hơn 27.000 tỷ chậm tiến độ do 'đói cát'

Nguồn cát đắp nền đường bị thiếu nên công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km, vốn đầu tư 27.200 tỷ đồng bị chậm tiến độ.

Ngày 22/8, nguồn tin của VietNamNet cho biết, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng báo cáo tình trình triển khai thực hiện “Dự án thành phần đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, giai đoạn 2021 -2025”. 

Theo đó, sau gần 8 tháng thi công (từ ngày 1/1/2023 đến nay), tiến độ dự án đoạn Cần Thơ – Hậu Giang chỉ đạt khoảng 8,72% hợp đồng, chậm 5,6% so với tiến độ dự án. Còn đoạn Hậu Giang – Cà Mau đạt 7,5% hợp đồng, chậm 4,5% so với tiến độ dự án.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang thiếu cát. Ảnh: T.C

Theo báo cáo, trong năm 2023, đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang cần 3,3 triệu m3 cát san lấp. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau  khối lượng cát cần đắp hơn hơn 13 triệu m3. 

Theo cam kết, 3 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long sẽ cung ứng 1,471 triệu m3 cát san lấp cho toàn dự án trong năm 2023. Trong đó, nhiều nhất là An Giang với 1,1 triệu m3, thông qua các mỏ Tân Lê Quang, Vạn Hưng Tùng, Trung Hậu - Tổng 68 và Hải Toàn.

Tuy nhiên, đến nay các nhà thầu chỉ mới ký hợp đồng được 2/4 mỏ cát tại An Giang và được cung cấp 110.000m3 cát. Nguyên nhân do giấy phép bị thu hồi hoặc thủ tục mở mỏ chưa hoàn thành. An Giang đã chỉ đạo Sở TN&MT rà soát để tham mưu cho tỉnh cấp thêm 2,2 triệu m3 cát cho dự án...

Đồng Tháp đã cung cấp 371.000m3; Vĩnh Long đang hoàn thiện thủ tục bàn giao mỏ.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng nguyên nhân dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ là do thiếu nguồn vật liệu cát san lấp, vướng mặt bằng thi công, cụ thể các vị trí thi công bệ mố trụ tại kênh rạch lớn, quốc lộ, tỉnh lộ nhiều vị trí chưa hoàn thành đền bù hoặc chờ bố trí tái định cư. 

Các nhà thầu chưa quyết liệt, khắc phục khó khăn tìm giải pháp thi công. Chưa huy động thiết bị, nhân sự đúng như cam kết... 

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được xem là tuyến quan trọng nhất Đồng bằng sông Cửu Long khi kết nối nhiều tỉnh, thành. Điểm đầu dự án tại nút giao IC2 (nút giao nối vào quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ), điểm cuối nối tuyến tránh TP Cà Mau. Công trình khởi công ngày 1/1, dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2026.

Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, rộng 17m, 4 làn, chia làm hai dự án thành phần: Cần Thơ – Hậu Giang dài 36,7 km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài 72,8 km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới