Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cảnh già lao lực, kiệt quệ của người mẹ sinh con ở tuổi 60

Ở tuổi 70, bà Thịnh Hải Lâm - bà mẹ già nhất Trung Quốc - vẫn phải làm việc quá tải để kiếm tiền nuôi 2 con gái 10 tuổi, chồng bà quá yếu không giúp được gì.

15 năm trước, ở tuổi 55, bà Lâm (thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc) cảm thấy mất hết mục đích sống khi cô con gái duy nhất chết vì ngạt khí khi mới 30 tuổi. Mấy năm sau, khi tinh thần bắt đầu hồi phục, vợ chồng bà quyết sinh thêm con dể bù đắp lại mất mát này. Bản thân là bác sĩ quân đội mới về hưu, bà Lâm hiểu điều đó khó khăn và nguy hiểm thế nào. Các bác sĩ bà quen biết cũng cố gắng khuyên can và từ chối giúp đỡ. Các bệnh viện uy tín tại những thành phố lớn mà họ tìm đến cũng không đồng ý thực hiện.

Bà Lâm những ngày mang thai.

"Họ bảo tôi đừng ảo tưởng nữa, vì như thế là vô nhân đạo, nếu chẳng may tôi chết thì những đứa trẻ được sinh ra sẽ sống như thế nào? Nhưng tôi đã quyết và không quan tâm đến những rủi ro đó", bà Lâm kể lại. 

Cuối cùng bà đến một bệnh viện tại thành phố Hợp Phì và cố gắng van nài bác sĩ: "Tôi là người mẹ mất con. Tôi cũng là người lính nên rất hiểu thành công và thất bại luôn song hành, nhưng khao khát có con sẽ khiến tôi chiến thắng tất cả". Câu nói này đã thuyết phục được vị bác sĩ. Bà dùng thuốc phục hồi kinh nguyệt trong 3 tháng rồi thụ tinh trong ống nghiệm, sinh đôi hai con gái, trở thành bà mẹ già nhất Trung Quốc vào tháng 5 năm 2010.

Nụ cười rạng rỡ của người chồng khi 2 con ra đời.

Hai bé Ngô Hướng Tuệ và Ngô Hướng Trí đều rất yếu lúc chào đời, phải nằm trong lồng ấp 33 ngày, chi phí là 6 nghìn nhân dân tệ (gần 20 triệu đồng) mỗi ngày; tiền sinh mổ và nằm phòng cách ly của cả mẹ và bé trước đó là 33 nghìn tệ. Trước đó họ cũng tốn hàng trăm nghìn tệ cho quá trình kiểm tra, theo dõi và thụ tinh trong ống nghiệm. 

Thời điểm đó, Trung Quốc rúng động bởi nạn sữa bột giả, bà lâm phải mua sữa bột nhập ngoại để nuôi con, mỗi tháng tốn 10 nghìn cho khoản này. Mặc dù lương hưu khá cao, kinh tế trước đó rất ổn nhưng vợ chồng họ vẫn trở nên khốn đốn. Con mới hơn 3 tháng tuổi, bà mẹ vốn đã về hưu phải đi dạy xa nhà để kiếm thêm tiền, để con cho chồng và người giúp việc chăm sóc. Trong 5 năm đầu đời của 2 bé, mỗi năm bà đi xa khoảng 200 ngày nên các bé không quá thân thiết với mẹ.

Để có thời gian bên con nhiều hơn, bà bớt đi dạy xa, đồng thời chuyển 2 con từ trường nội trú sang trường tiểu học gần nhà để đưa đón hàng ngày. Quyết không để con thua các bạn cùng trang lứa ngay từ vạch xuất phát, bà đầu tư cho con học kỹ năng sống tại các trung tâm nổi tiếng, và quần quật kiếm việc làm thêm.

 

Bà Lâm và 2 con gái.

Ông Ngô chồng bà cho biết: "Chính vì áp lực công việc nên bà ấy toàn truyền năng lực tiêu cực cho bọn trẻ... Vợ chồng trước rất hòa thuận, nhưng từ khi có con nhỏ thì bà ấy hay gây sự từ những chuyện nhỏ nhất". 

Hiện ông Ngô sức khỏe rất yếu vì từng đột quỵ nên không thể đi làm hay chăm sóc các con. Điều tốt nhất ông có thể làm để giúp vợ mình là phục vụ bản thân."Bạn bè nhiều người hỏi tôi có mong muốn gì không. Thực sự còn sống để trông nhà và nhìn thấy các con hàng ngày là mãn nguyện rồi", người chồng chia sẻ.

Trong khi bạn bè cùng lứa tuổi đang đi du lịch khắp nơi, hưởng thụ tuổi già nhàn nhã thì bà Lâm làm việc quần quật và không tránh khỏi những lúc cảm thấy bế tắc. Bà muốn tìm đến bạn bè để tâm sự vì mối quan tâm của bà và họ quá khác xa nhau, khó tìm được tiếng nói chung. Vì thế các cuộc gặp thưa dần.

10 năm trôi qua, 2 cô bé Ngô Hướng Tuệ và Ngô Hướng Trí đều khỏe mạnh, xinh xắn, linh lợi, là nguồn an ủi lớn cho 2 ông bà. Tuy nhiên, sâu thẳm trong lòng, họ vẫn canh cánh nỗi lo nếu mình mất đi thì ai chăm lo các con. "Hiện tại chẳng có ai và nếu thực sự có ngày đó thì tôi chưa biết làm thế nào", bà nói với tiếng thở dài.

Trả lời nhà báo, bà Lâm khuyến cáo các cặp vợ chồng lớn tuổi nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định sinh con. Khi được hỏi có hối hận khi sinh Hướng Trí và Hướng Tuệ không, đôi mắt bà thể hiện nét ngập ngừng khó nói nên lời.

Minh Nhật (Tổng hợp)

Tin mới