Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cảnh báo: Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các sàn thương mại điện tử

(VTC News) -

Hàng giả, hàng nhái được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử một cách công khai từ nhiều năm nay nhưng vì sao không bị xử lý, ngăn chặn triệt để?

Liên tục tung ra các chương trình ưu đãi là cách các sàn thương mại điện tử thu hút người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Thời gian gần đây, người tiêu dùng dần trở nên ưa chuộng việc mua bán trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Sendo, Tiki… Mặc dù mới trở nên phổ biến vài năm trở lại đây, nhưng những sàn thương mại điện tử này đã cho thấy không ít ưu điểm và dần trở nên thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày khi khách hàng có thể mua bán thuận tiện, hàng hóa đa dạng…

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó thì cũng cuất hiện không ít những nhược điểm. Nhiều khách hàng đã chia sẻ không ít chuyện dở khóc dở cười mà bản thân gặp phải khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử này.

Chị Vũ Thị Hồng Hạnh (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết do đang phải chăm con nhỏ không có thời gian đi mua sắm trực tiếp, vì thế chị chọn phương án mua hàng trên các sàn thương mại điện tử vì chỉ với một vài thao tác trên điện thoại là chị có thể mua được hàng hóa mình cần.

Tuy nhiên, do không được xem và trải nghiệm sản phẩm thực tế nên đã nhiều lần chị nhận được những sản phẩm kém chất lượng hay không giống với hình ảnh quảng cáo. Nhiều lần phản ánh để đổi trả lại hàng mất rất nhiều thời gian và quy trình phức tạp. Từ đó chị Hạnh cũng hạn chế việc mua sắm qua các sàn thương mại điện tử mà vẫn chú trọng hoạt mua bán truyền thống để tránh các rủi ro.

Tìm hiểu về hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử kể trên, PV như lạc vào ma trận hàng hóa và giá cả khi hàng loạt những sản phẩm mang tên các thương hiệu lớn trên thế giới nhưng chỉ được rao bán từ vài chục cho đến vài trăm nghìn đồng.

Sản phẩm nước hoa của thương hiệu Versace trên thị trường có giá lên đến vài triệu đồng nhưng được rao bán công khai trên sàn thương mại Lazada chỉ với 124.000 đồng.

Sản phẩm nước hoa nhưng lại được phân loại dùng để trị mụn và hướng dẫn sử dụng ghi rõ: Vì vấn đề nhạy cảm vui lòng nhắn tin cho shop để được tư vấn.

Cùng một sản phẩm nhưng lại có những mức giá khác nhau, bên cạnh đó, điểm chung của các sản phẩm này thường là không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và không thể tìm được số điện thoại liên lạc của người bán.

Tại sàn thương mại điện tử Lazada, sản phẩm nước hoa nam của thương hiệu Versace chỉ được rao bán hơn 100 nghìn trong khi trên thị trường đang được rao bán với giá lên đến vài triệu đồng. Đặc biệt, dù là sản phẩm nước hoa nhưng lại được phân loại vào thương hiệu sản phẩm trị mụn và ở phần hường dẫn sử dụng thay vì hướng dẫn lại xuất hiện dòng chữ: "Vì vấn đề nhạy cảm vui lòng nhắn tin cho shop để được tư vấn cách dùng hiệu quả nhất".

Bên cạnh đó, dưới phần đánh giá những sản phầm này cũng thường xuất hiện những đánh giá về chất lượng sản phẩm kém hay hàng không giống như quảng cáo. Những đánh giá trên thường không nhận được phản hồi của người bán hàng.

Điểm chung của các sản phẩm mang tên thương hiệu lớn được rao bán giá rẻ thường là không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và không thể tìm được số điện thoại liên lạc của người bán.

Trong vai một người mới kinh doanh đang muốn chạy quảng cáo sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử. Phóng viên VTC News liên hệ với Fanpage Chạy Quảng Cáo Lazada Shopee Sendo Tiki Tiktok qua số điện thoại 077.555.49**.

Tại đây, PV  được một người đàn ông giới thiệu có thể chạy quảng cáo để sản phẩm của mình hiện lên ở các sàn thương mại điện tử. Việc chạy quảng cáo vô cùng đơn giản khi chỉ cần đăng ký một cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử này, đăng hình ảnh sản phẩm mình muốn bán rồi gửi link cửa hàng cho người đàn ông này thì sản phẩm sẽ thường xuyên xuất hiện trên những vị trí dễ nhìn.

Các bình luận đánh giá về chất lượng sản phầm xuất hiện dày đặc nhưng những sản phầm này lại vẫn được rao bán tràn lan?

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về việc muốn chạy quảng cáo cho hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người đàn ông này khẳng định: “Anh cứ gửi hình ảnh cho em xem hàng gì thì em mới biết chính xác được. Còn hàng giả, hàng nhái người ta cũng rao bán nhan nhản đấy có sao đâu anh. Chạy quảng cáo được hết”.

Có thể thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái được rao bán trên các sàn thương mại điện tử đang diễn ra một cách công khai và phức tạp. Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử này lại đang cho thấy sự thiếu kiểm duyệt, giám sát đối với hàng hóa được rao bán. Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng thiếu sự tự bảo vệ quyền lợi khi không thẳng tay đánh giá, hay báo cáo những sản phẩm kém chất lượng được rao bán. Từ đó, vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan vào thị trường trong nước.

Cơ quan chức năng cần có những quy định và chế tài mạnh mẽ hơn để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng hàng giả hàng nhái tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Trách nhiệm đầu tiên có lẽ thuộc các doanh nghiệp quản lý các sàn thương mại điện tử nói trên.

Thành Lâm

Tin mới