Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Canh bạc 'Avatar 2'

17:57 11/12/2022 Phim

"Avatar: The Way of Water" ra mắt vào 16/12 trong sự kỳ vọng của đông đảo khán giả hâm mộ, tuy nhiên, bộ phim phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.

Tính tới thời điểm hiện tại, Avatar vẫn chễm chệ trên ngôi vương những bộ phim điện ảnh có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Sức hút và danh tiếng của siêu bom tấn này lớn tới mức, phần đông giới phê bình đều thừa nhận đây chính là “bước ngoặt mới” của ảnh đàn nhân loại.

Bất chấp chuỗi thành tích “khủng” mà dự án từng gặt hái, nhiều khán giả nghi ngại Avatar là “One hit wonder” (tác phẩm thành công nhất thời). Áp lực đó đè nặng trên đôi vai vị đạo diễn thiên tài James Cameron. Đặc biệt với phần tiếp theo của bộ phim này, The Way of Water, ấn định lịch công chiếu vào cuối năm nay.

Avatar (2009) là cột mốc vàng son của điện ảnh nhân loại.

Cái bóng quá lớn của bom tấn tiền nhiệm

Nói về Cameron, người ta thường gọi ông bằng biệt danh “phù thủy điện ảnh” thay vì đơn thuần là một đạo diễn. Bộ óc vĩ đại này đứng sau hàng loạt bom tấn thương mại, đơn cử như Titanic, Alien hay series The Terminator... Đáng chú ý, thành công của ông không gói gọn trong bất cứ khuôn mẫu nào. Mỗi bộ phim ông chỉ đạo đều là dự án độc lập, với nội dung và thể loại khác nhau.

Thai nghén trong hơn một thập kỷ, Avatar nhanh chóng trở thành hiện tượng càn quét phòng vé toàn cầu ngay khi vừa ra mắt năm 2009. Bộ phim đã lập nên thành tích vô tiền khoáng hậu, thu về hơn 2,9 tỷ USD doanh thu tính đến thời điểm hiện nay.

Không chỉ thành công trên lĩnh vực thương mại, Avatar còn được công nhận là một trong số tượng đài khoa học viễn tưởng kinh điển. Chỉ trong vòng một năm, tác phẩm gặt hái hơn 30 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ, trong đó 2 giải Quả Cầu Vàng và 3 tượng Oscar danh giá. Gạt đi những tranh cãi trái chiều, câu chuyện về hành tinh Pandora kỳ diệu dường như chưa từng có dấu hiệu nhạt phai trong tâm trí các khán giả hâm mộ.

Nhiều chuyên gia nhận định bom tấn của James Cameron tạo nên ảnh hưởng sâu sắc tới ngành công nghiệp điện ảnh đương đại. Đặc biệt, bộ phim vạch ra hướng phát triển tiên phong của công nghệ ghi lại chuyển động đa chiều. Thành tựu kỹ thuật này không những truyền cảm hứng cho mô hình phát hành rạp 3D sau đó mà còn đặt ra một chuẩn mực mới cho Hollywood. Đồng thời, nó đã chứng minh rằng những bộ phim có quy mô khổng lồ hoàn toàn có thể được thực hiện bằng kỹ thuật số.

Thế nhưng, thành công ngoài sức tưởng tượng đó lại có thể là một thách thức không nhỏ cho chính những dự án sau này. Quyết định thực hiện loạt phim tiếp nối Avatar đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro, đặc biệt là việc vượt qua cái bóng của phần phim tiền nhiệm.

Avatar 2 đối mặt thách thức từ chính phần phim đầu tiên.

“Làm Avatar 2 là tự đặt mình trong thế khó”

Trước đó, đạo diễn James Cameron từng trò chuyện với tạp chí Entertaiment Weekly về đứa con tinh thần của mình: “Tôi tự thấy ý tưởng làm ba phần tiếp theo thật điên rồ. Nếu Avatar không kiếm được bộn tiền thì có lẽ chẳng ai dám rót vốn cho tôi làm tiếp”.

Ông tiết lộ, kế hoạch này nảy sinh từ hồi đầu năm 2012. Sang 2013, James cùng các biên kịch phát triển kịch bản và bắt tay vào sản xuất 4 năm sau đó, với kinh phí “khủng” lên tới 350 - 400 triệu USD.

The Way of Water lấy mốc thời điểm Jake Sully và Neytiri đã kết hôn và có con. Thay vì dắt các thượng đế “lên rừng” như trong Avatar 1, phần phim tiếp theo lại lựa chọn bối cảnh dưới lòng đại dương.

Dẫu có sự sáng tạo và đổi mới, Cameron lại không nắm chắc thành công của dự án này như trước. Vị đạo diễn thừa nhận, chi phí làm phim tốn kém biến Avatar 2 trở thành “canh bạc rủi ro nhất lịch sử điện ảnh”. Và cả ông lẫn ê-kíp đều nhận thức được điều này ngay từ những giai đoạn đầu.

Theo ước tính, điểm hòa vốn của Avatar 2 nằm ở mức xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương vị trí top 5 phim ăn khách nhất mọi thời đại. Với tình hình phòng vé giai đoạn hiện nay, đây rõ ràng là một cột mốc cực kỳ khó khăn, ngay cả với “phù thủy phòng vé” James Cameron.

Đặc biệt, hậu COVID-19 được đánh giá là thời kỳ lên ngôi của các dịch vụ phát trực tuyến. Những kỷ lục năm xưa, vì lẽ đó, khó lòng có thể lặp lại. Bằng chứng là trong 3 năm gần đây, chỉ có Spider-Man: No Way Home (2021) và Maverick (2022) thành công cán mốc tỷ USD.

Chưa kể, không thể phủ nhận sự thật rằng kể từ thời điểm Avatar ra mắt, ngành công nghiệp điện ảnh đã thay đổi và phát triển chóng mặt. Suốt 13 năm nay, hàng loạt nhượng quyền thương mại thay phiên nhau chiếm lĩnh thị trường. Đơn cử là sự trỗi dậy của những series siêu anh hùng Marvel, DC hay Star Wars... Bên cạnh đó, chiếc bánh ngọt doanh thu còn chia sẻ một phần cho các dự án phim độc lập.

Vậy nên, dự án kế nhiệm Avatar trở lại vào thời điểm mà điện ảnh thế giới đã biến đổi rất khác. Thách thức và những đối thủ cạnh tranh đã chẳng còn giống như xưa.

Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, chính James Cameron cũng thừa nhận khoảng cách 13 năm giữa hai phần phim này là rào cản khó vượt qua nhất. Thế nhưng, bản thân ông cũng tự trào quyết định táo bạo của mình mà thốt lên rằng: “Muốn thắng lớn thì phải làm liều”.

Nguồn: Zing News

Tin mới