Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần thêm đãi ngộ thu hút y bác sĩ luân chuyển về tuyến cơ sở làm việc

(VTC News) -

Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để thu hút y bác sĩ luân chuyển công tác về tuyến cơ sở làm việc, cần thêm nhiều chính sách đãi ngộ, khuyến khích.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, từ giữa năm 2024 đến nay nhiều địa phương bắt đầu công tác luân chuyển cán bộ, y bác sĩ từ tuyến tỉnh, huyện về các trạm y tế xã thiếu nhân lực, nhằm mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thiếu nhân lực ngành y tế cho tuyến dưới.

Đồng tình chủ trương luân chuyển y bác sĩ về tuyến cơ sở, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho rằng, có hai giải pháp để nâng cao chất lượng trạm y tế xã phường. Đó là đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về thực hành tại đây hoặc luân chuyển bác sĩ từ tuyến huyện về. Tuy nhiên, việc đưa bác sĩ mới tốt nghiệp về trạm y tế xã, phường sẽ khó khả thi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức. (Ảnh: Quochoi.vn)

Nguyên nhân là bác sĩ nội khoa muốn tích lũy được kinh nghiệm lâm sàng, khám đúng bệnh cần ít nhất 3-5 năm sau khi ra trường; với bác sĩ ngoại khoa và làm kỹ thuật cao cần 5-10 năm tích lũy. Đây là quãng thời gian vàng để các bác sĩ thực hành và tích lũy kinh nghiệm, định hướng chuyên ngành sẽ theo đuổi.

"Nếu họ về trạm y tế xã, phường sẽ không có thầy cô, đồng nghiệp giàu kinh nghiệm chỉ bảo, không có thiết bị thực hành, rất khó phát huy được khả năng", Thứ trưởng Thức nói. Ngoài ra, bác sĩ mới ra trường về trạm y tế xã cũng khiến người dân không đủ niềm tin để khám bệnh tại đây. Vì vậy, giải pháp khả thi là luân chuyển bác sĩ có kinh nghiệm từ bệnh viện tuyến huyện về trạm y tế xã, thời gian 3-6 tháng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, không nên luân chuyển bác sĩ đại trà mà cần nghiên cứu mô hình bệnh tật mỗi địa phương để cử bác sĩ phù hợp. Đơn cử, xã có tỷ lệ bệnh nào cao thì luân chuyển bác sĩ chuyên khoa đó về. Xã vùng sâu, nơi giao thông trắc trở thì cần có bác sĩ ngoại khoa về để kịp thời cứu chữa và đưa ra quyết định chuyển tuyến khi cần thiết.

"Nếu đưa bác sĩ chưa có kinh nghiệm về xã, gặp trường hợp bệnh nhân đau ruột thừa nhưng không chẩn đoán được để chuyển lên tuyến trên mổ sẽ rất nguy hiểm", Thứ trưởng Thức nói.

Cần thêm nhiều chính sách khuyến khích việc luân chuyển y bác sĩ về tuyến cơ sở. (Ảnh minh hoạ: H.D)

Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn TP.HCM năm 2024.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM ủng hộ cơ chế, chính sách bắt buộc bác sĩ phải công tác một thời gian tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là nhóm bác sĩ đa khoa. Đây là người có kiến thức chung về các chuyên khoa có thể thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân khi gặp bất kỳ triệu chứng nào mà chưa rõ nguyên nhân. Tuyến y tế cơ sở, như trạm y tế, rất cần bác sĩ đa khoa để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, song thực tế số nhóm này về trạm rất ít.

"Số lượng bác sĩ đa khoa quá ít nên một số trạm y tế sử dụng bác sĩ chuyên khoa để thay thế", vị này nói. Có bác sĩ là điều tốt, nhưng bác sĩ chuyên khoa không thể làm được nhiều vì chỉ nắm phần chuyên khoa, không có kiến thức y học đầy đủ để chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện cho người dân.

Do đó, Bộ Y tế cần thêm cơ chế, chính sách để chuyển đổi tỷ lệ bác sĩ đa khoa đang công tác tại tuyến y tế cơ sở. "Cần chính sách bắt buộc bác sĩ có nghĩa vụ công tác tại y tế cơ sở trong một thời gian, như nghĩa vụ quân sự", đại diện Sở Y tế nói và thêm rằng nếu luật hóa nghĩa vụ này, tuyến y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu người.

Vị này cũng đề xuất áp dụng cơ chế bắt buộc các bác sĩ mới tốt nghiệp có thời gian thực hành tại y tế cơ sở như chương trình TP.HCM thí điểm. Hiện có 446 bác sĩ thực hành tại y tế cơ sở, được thành phố hỗ trợ chi phí 60 triệu đồng/18 tháng.

Trường hợp được miễn thực hiện chế độ luân phiên

- Nhân viên y tế là nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam nuôi con nhỏ một mình dưới 36 tháng tuổi.

- Nhân viên y tế đã có thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên.

- Nhân viên y tế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: là con độc nhất trong gia đình có bố, mẹ già; người trực tiếp chăm sóc bố, mẹ già yếu hoặc tàn tật ốm đau thường xuyên; có vợ (hoặc chồng) bị tàn tật không có khả năng chăm sóc con cái; bản thân không bảo đảm sức khỏe để công tác xa nhà.

- Nhân viên y tế là nam quá 55 tuổi, nữ quá 50 tuổi (trừ trường hợp tự nguyện).

Các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định đối với nhân viên y tế thuộc quyền quản lý.

Minh Khôi

Tin mới