Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cận Tết, người Jrai rộn ràng kiếm tiền từ mai rừng

(VTC News) -

Dịp Tết cận kề, những gốc mai 20-30 năm tuổi được bà con Jrai (Gia Lai) chất lên xe, chở xuống phố; thu nhập từ cây mai rừng giúp nhiều hộ dân có một mùa Tết ấm no.

Ở xã Ia Kênh (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), hầu hết người dân Jrai đều trồng mai rừng. Có hộ trồng thành hàng rào. Hộ nhiều thì trồng đến cả hàng nghìn gốc. Hộ ít thì cũng lên đến vài trăm cây. Dịp Tết đang cận kề, những gốc mai từ 20-30 năm tuổi được bà con rộn ràng chất lên xe, chở xuống phố. Thu nhập kiếm được từ việc bán mai rừng giúp nhiều hộ dân có một mùa Tết ấm no.

Thoát nghèo nhờ cây mai rừng

Giữa trời trưa nắng, chúng tôi đến thăm vườn mai của gia đình ông Rahlan Luih (làng Mơ Nú, xã Ia Kênh, TP Pleiku). Ông Rahlan Luih là người có hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng mai rừng và cũng là người trồng mai nhiều nhất ở xã Ia Kênh.

Bên cạnh hơn 30 cây mai được trồng làm hàng rào quanh nhà ở, ông Luih còn dành hơn 5.000m2 đất để trồng mai rừng. Hiện khu rẫy này có khoảng 1.000 cây mai rừng với đủ loại kích cỡ, tuổi thọ 15-30 năm. Tất cả những cây mai trong rẫy được ông để phát triển tự nhiên như ở rừng.

Ở xã Ia Kênh, nhà nào cũng trồng mai rừng, nhà ít thì trồng chơi vài cây, nhà nhiều thì khoảng gần 1.000 cây.

Theo ông Luih, ở xã Ia Kênh, nhà nào cũng trồng mai rừng, nhà ít thì trồng chơi vài cây, nhà trồng nhiều thì khoảng gần 1.000 cây. Từ xưa, người dân xã Ia Kênh thường vào rừng để lấy hạt, đào gốc mai về trồng trong nhà. Chính vì vậy, xã Ia Kênh vào dịp giáp Tết rộn ràng người tới lui đào gốc mai bán.

Mai rừng ở vườn ông Luih bán với giá từ 1,5 – 5 triệu đồng/cây, cá biệt có cây mai được bán từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Mỗi dịp Tết nguyên đán, gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng.

Nhờ vào nghề trồng mai quanh năm mà gia đình ông Luih và nhiều hộ gia đình khác có khoản thu nhập ổn định, thoát cảnh nghèo khó. “Nhiều năm trước, có được số tiền tích góp từ bán mai, gia đình tôi đã xây nhà ở hơn 500 triệu đồng. Từ đó, cuộc sống gia đình ổn định hơn rất nhiều”, ông Luih tâm sự.

Tương tự, anh Puih Blêl (làng Thông Jố, xã Ia Kênh) dành khu vườn rộng khoảng 1 ha của mình để trồng xen 700 cây mai rừng với cây cà phê. 

“Mỗi lần tưới nước và bón phân cho cây cà phê, gia đình tôi sẽ chia đều cho những gốc mai xen canh trong vườn. Qua đó, vườn mai sinh trưởng và phát triển tốt”, anh Blêl cho hay.

Với thuận lợi từ việc trồng xen canh, gia đình anh Blêl mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng, giúp anh và vợ có khoản chi tiêu, lo con cái ăn học, sửa sang nhà cửa dịp Tết đến.

Thu nhập từ cây mai rừng giúp nhiều hộ dân có tiền lo con cái ăn học, sửa sang nhà cửa khi Tết đến.

Không dừng lại ở đó, nhiều hộ gia đình người Jrai ở xã Ia Kênh cũng vươn lên thoát nghèo từ mô hình trồng mai rừng. Đặc biệt, gia đình anh Kpă Pơl (làng Thông Jố, xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai) vừa xây nhà khang trang hơn 300 triệu đồng từ những cố gắng bám nghề trồng mai cả chục năm nay.

Làng mai rừng nhộn nhịp ngày cận Tết

Trồng và buôn bán mai rừng đang trở thành một nghề của người Jrai ở xã Ia Kênh. Hàng năm, ngoài việc thu lượm hạt mai rụng về ươm thành cây con và giâm cành rồi mang ra trồng ở vườn, nhiều người dân ở Ia Kênh còn đi đến các vùng khác ở Tây Nguyên tìm mua mai về trồng rồi bán lại vào dịp Tết đến.

Người dân tất bật đào gốc mai rừng đem đi bán.

Anh Siu Vik (làng Mơ Nú, xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai) nhận thấy việc kiếm mai trên rừng càng ngày khan hiếm nên tận dụng quỹ đất vườn nhà hơn 1.000m2, đào những hố nhỏ để trồng mai sau khi đi thu mua của các hộ trong xã. Ngoài ra, anh còn đến nhiều tỉnh thành như Kon Tum, Đắk Nông để tìm mua gốc mai về trồng.

Mỗi mùa xuân về, gia đình anh Siu Vik lại chặt cành hoặc đào những gốc mai rừng nhà trồng đưa ra phố bán. "Giá mỗi cành từ khoảng 300 - 500 nghìn đồng, nguyên cây thì có giá 1 - 3 triệu đồng. Có cây lời vài trăm ngàn đồng, cũng có cây lời vài triệu đồng”, anh Siu Vik cho biết.

Mai rừng đa số là loại 5 cánh, có màu vàng nhẹ với sức sống mãnh liệt. Nhiều nhà vườn cũng săn lùng những gốc mai rừng cổ thụ về ghép với các giống mai nhà.

Mai rừng cánh thường lớn, lâu tàn và dễ chăm sóc hơn các loại mai nhà.

Ông Nguyễn Văn Minh (phường Yên Đỗ, TP Pleiku), chia sẻ: "Tôi rất thích mai rừng bởi vẻ đẹp tinh khiết và màu sắc của nó. Trên thị trường có rất nhiều loại hoa nhưng gia đình vẫn mua một cành mai rừng để về chưng bên bàn thời gia tiên. Nó thể hiện cho sự bình dị và gợi nhớ những kỉ niệm tết xưa của gia đình".

Ông Siu Bách - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh cho biết, có 6 làng thuộc xã Ia Kênh đều trồng mai rừng trong khuôn viên nhà hoặc vườn rẫy. Mỗi dịp Tết, mai rừng mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ gia đình. Bên cạnh đó, nhiều người dân của xã cũng rất tích cực trong việc phát triển và duy trì nghề trồng mai rừng bằng cách nhân giống hoặc tìm mua cây mai ở các nơi khác mang về trồng.

HIỀN MAI

Tin mới