Kỳ 8 (kỳ cuối): Cẩn bảo vệ những "kho báu" trong mộ cổ
Loạt bài phá mộ cổ trộm báu vật ở Hải Phòng:
Kỳ 1: Kho báu trong “mộ Sở”
Kỳ 2: Những kẻ truy lùng ‘kho báu Sở’
Kỳ 3: Pháp sư kỳ lạ
Kỳ 4: ‘Kẻ cướp mộ’ đào rỗng núi tìm báu vật
Kỳ 5: Nỗi sợ hãi của những kẻ trộm mộ núi Rùa
Kỳ 6: Lãnh địa mộ cổ khổng lồ
Kỳ 7: Những ngôi ‘mộ chúa’ khổng lồ
Để giải mã được những “hầm giấu của” chi chít trong lòng những quả núi ở xã Chính Mỹ và Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) tôi đã chụp hàng trăm bức ảnh từ toàn cảnh đến cận cảnh những thành vách, hầm gạch, hầm đất, hoa văn những viên gạch, những món đồ cổ, tiền xu… để gửi đến các nhà khoa học.
Nhìn những tấm hình chụp hầm gạch, không cần suy nghĩ nhiều, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, người có rất nhiều kinh nghiệm về mồ mả thời Đông Sơn và Bắc thuộc, đã khẳng định ngay rằng, đó chính là những ngôi mộ Hán, xuất hiện từ thời Bắc thuộc và trước đó.
Tôi nhắc đến chuyện người dân gọi đó là kho báu Sở, ông Hoành bảo, nếu gọi là mộ Sở thì phải xem xét cụ thể, nhưng ông tin không phải mộ của người Sở, còn nếu người dân gọi đó là hầm chôn kho báu thì không có gì sai. Bởi vì, theo ông Hoành, người có cả cuộc đời nghiên cứu về mộ Hán, thì trong lòng những ngôi mộ này là một kho báu thực sự, chứa vô số báu vật, từ những đồ dùng đơn giản như bát đĩa, cốc chén, chai lọ, cho đến tiền xu, các vật dụng, trang sức bằng vàng, ngọc... Chuyện đào được cả xe tải đồ cổ, báu vật trong một ngôi mộ Hán khổng lồ là chuyện có thể xảy ra.
Rất nhiều cổ vật được người dân đào được trong mộ Hán.
Theo ông Tăng Bá Hoành, thời kỳ Đông Sơn, tức là cách nay hơn 2.000 năm, người Việt chỉ chôn bó chiếu, bó tre, hoặc một số nhà giàu thì chôn trong những ngôi mộ thân cây khoét rỗng, hay còn gọi là mộ thuyền. Hình thức táng này của người Việt vẫn kéo dài đến thời kỳ Bắc thuộc. Tuy nhiên, từ thời Bắc thuộc, thì ở nước ta xuất hiện nhiều loại mộ khác nữa. Trong đó, nổi bật là những ngôi mộ gọi chung là mộ Hán.
Mộ Hán gồm có 3 loại nổi bật, là mộ cũi, mộ gạch và mộ đất. Mộ cũi là loại mộ được xếp bằng những súc gỗ lớn, thông thường là gỗ lim. Quan lại, nhà giàu thường đào sâu xuống lòng đất, trong lòng núi, thành một hố rộng. Người ta sẽ xếp những súc gỗ khổng lồ thành một ngôi nhà với những gian phòng. Một gian phòng sẽ đặt quan tài, hoặc treo lủng lẳng trong hầm mộ bằng xích sắt, các gian phòng khác sẽ chứa vô số đồ vật, của quý.
Thực tế, loại mộ cũi xếp gỗ này đã khai quật được khá nhiều ở xã Gia Lương (Gia Lộc, Hải Dương) và thi thoảng vẫn đào được ở vùng Đông Triều (Quảng Ninh). Những ngôi mộ cũi đào được ở xã Gia Lương rất lớn, mỗi ngôi mộ thu được tới vài chục tấn gỗ lim. Hiện ở Bảo tàng Hải Dương vẫn còn đang lưu giữ những súc gỗ lim khổng lồ của một ngôi mộ gỗ.
Ông Hoành bên đống gỗ lim khổng lồ thu được từ ngôi mộ Hán cổ ở Tứ Kỳ - Hải Dương.
Cùng với sự xuất hiện của mộ gỗ hình cũi, suốt thời Bắc thuộc, ở nước ta cũng xuất hiện mộ gạch. Loại mộ này ra đời và tồn tại song song với mộ gỗ. Mộ gạch xây theo hình vòm, thành các đường hầm. Mộ nhỏ thì có một đường hầm, mộ lớn thì có đến 3, thậm chí là 4 đường hầm. Các đường hầm nằm cạnh nhau, xếp song song với nhau và có cửa thông sang nhau, tạo thành các căn phòng.
Khi một ông quan lớn hoặc một phú gia địch quốc chết đi, người ta sẽ tìm địa thế đẹp để xây mộ. Ở khu vực đồi núi, họ đào sâu xuống lòng núi rồi xây mộ. Ở đồng bằng, người ta chỉ vét đi lớp đất màu. Sau đó, mộ được xây dựng. Mộ to hay nhỏ phụ thuộc vào sự giàu có của chủ nhân. Ở Hải Dương, có những ngôi mộ gạch rộng cả trăm mét vuông, xây thành nhiều phòng rộng thênh thang. Xây mộ xong, người ta sẽ đưa quan tài người chết vào cùng với vô số đồ đạc, tiền của, báu vật.
Người xưa quan niệm, người chết là về thế giới khác, nên cũng cần phải được chia của, do đó, họ thường chôn theo rất nhiều tiền của cho người chết. Thậm chí, loại hình mộ táng này ở Trung Quốc còn chôn sống cả nô tỳ, người đẹp, để phục vụ ông chủ khi về thế giới bên kia. Xây xong mộ rồi, hàng ngàn nhân công sẽ làm một công việc dời non lấp bể, đó là đào đất lấp toàn bộ ngôi mộ này. Họ đắp ngôi mộ to như quả núi giữa đồng bằng để thể hiện sự hoành tráng và chống lại sự xâm phạm của đạo tặc.
Ông Tăng Bá Hoành bên một ngôi mộ Hán khổng lồ khai quật được ở Nam Sách - Hải Dương.
Khi đất nước bình yên, thì những ngôi mộ này được bảo vệ vững chắc, có quân lính trông nom hẳn hoi. Nhưng khi đất nước loạn lạc, thì những ngôi mộ này biến thành món mồi ngon của đạo tặc. Ở Hải Dương hiện vẫn còn khá nhiều mộ Hán khổng lồ, to như quả đồi giữa cánh đồng, rộng cả mẫu. Theo ông Hoành, hầu hết những ngôi mộ này đã bị xâm phạm nhiều lần, trong hàng ngàn năm nay, nên rất ít khả năng còn báu vật. Tuy nhiên, những ngôi mộ Hán chôn sâu trong lòng núi ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), được ngụy trang kín đáo, không để lại dấu tích, bị nhiều đời lãng quên, đạo tặc không biết, thì vẫn còn nguyên vẹn, và nó thực sự là những kho báu khổng lồ ở thời đại này.
Không kể đến chuyện vàng bạc, ngọc ngà có trong mộ, chỉ những món đồ cổ dù là sành sứ, hay gốm thô mộc, có tuổi tới 2.000 năm, đã khẳng định giá trị của những món đồ là khó có thể đong đếm được.
Nhìn những tấm hình chụp những hang hốc ngóc ngách do đạo tặc đào bới, những ngôi mộ bị máy xúc múc đi lấy gạch san lấp mặt bằng mà ông Hoành không khỏi đau xót, thở dài. Những quả núi này mà được bảo vệ nghiêm ngặt, để đời sau có điều kiện tiến hành khai quật, trưng bày, thì quả là vô giá.
Cũng theo ông Hoành, những cổ vật thời Đông Sơn thu được trong những ngôi mộ Hán này, ông gặp rất ít ở Việt Nam, nhưng lại có rất nhiều và được trưng bày trang trọng trong các bảo tàng ở Đức, Nga. Trong khi người Việt đào bới bán đi với giá rất rẻ, thì người phương Tây sẵn sàng mua lại với giá rất đắt, bởi họ hiểu được giá trị của nó.
Cổ vật trong mộ Hán ở Liên Khê.
Về những hầm mộ khoét vào lòng núi như gian phòng, ông Hoành cho rằng, đó là biến thể của mộ gạch, cũng được gọi chung là mộ Hán. Những hầm mộ này đào sâu vào lòng núi, có thể đào bên vách núi, chứ không phải đào từ mặt núi xuống, nên dù nó nằm dưới chân mộ gạch, cũng chưa thể khẳng định nó có niên đại trước mộ gạch. Để tìm hiểu rõ, phải có quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ông Hoành, những ngôi mộ hầm đất cũng rất đặc biệt, là nơi táng nhiều người, nhiều đời trong dòng họ vào đó và do vậy, cổ vật, của quý trong những hầm mộ đất cũng rất phong phú, là gia tài nhiều đời tích tụ trong đó.
Trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, ông Cường cũng khẳng định những “kho báu Sở” Thủy Nguyên chính là những ngôi mộ cuốn. Quan sát một số đồng tiền (phóng viên chụp lại, do những người săn đồ cổ lấy trong mộ), ông Cường mới nhận diện được 2 đồng, một đồng Ngũ Thù (Triều vua Tây Hán Vũ Đế, niên đại 141 – 87 trước Công nguyên, năm đúc tiền 118 trước Công nguyên) và một đồng Đại Tuyền Ngũ thập (Triều vua Hán Nhũ Tử, niên đại 05-08 sau Công nguyên. Năm đúc 06 sau Công nguyên). Như vậy, qua hai đồng tiền này, có thể thấy rằng, ngôi mộ chứa đồng tiền này không thể có trước năm 118 trước Công nguyên, tức là sớm nhất thì cũng chỉ hơn 2.100 năm. Tuy nhiên, đồng tiền vẫn được lưu hành về sau này, nên niên đại ngôi mộ có thể muộn hơn so với năm lưu hành tiền. Theo ông Cường, dù sao, những quả núi với hệ thống mộ Hán này cũng vô cùng quý giá. Để giải mã được những bí ẩn chứa trong lòng những quả núi này, thì các nhà khoa học phải khai quật, nghiên cứu mới rõ ràng được.
Nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường đã xem những đồng tiền này và khẳng định nhiều đồng có niên đại hơn 2.000 năm.
Như vậy, những “kho báu Sở” ở Thủy Nguyên dù còn nhiều bí ẩn, song cũng đã được nhận diện phần nào, đó là những ngôi mộ kiểu Hán. Những ngôi mộ nào còn nguyên vẹn trong lòng núi, chưa bị bọn trộm cổ vật xâm phạm, thì đích thị là những kho báu trong lòng đất, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Đặng Vân (người Tứ Xuyên, Trung Quốc, bảo vệ Thạc sĩ tại Việt Nam) cho biết, các loại hình mộ gỗ hình cũi, mộ xây vòm cuốn xuất hiện từ thời Xuân Thu, nhưng khi đó, mộ táng kiểu này có quy mô nhỏ. Chỉ đến thời Hán, loại mộ này mới được coi trọng và chỉ dành cho giới vua chúa, quan lớn. Dù mộ gỗ hay mộ xây gạch, thì cũng giống một ngôi nhà trong lòng đất, hơn là một ngôi mộ. Khai quật những ngôi mộ kiểu này, thường thu được vô số cổ vật.
Vào tháng 8-1980, trong khi xây dựng một công trình ở Tượng Cương (Quảng Châu, Trung Quốc), người ta đã vô tình tìm thấy một ngôi mộ kiểu vòm cuốn. Ngôi mộ có diện tích chừng 100m2, bao gồm 7 gian phòng, trần cao 2m, xung quanh tường lát bằng đá xanh, sàn lát gỗ, có niên đại cách nay hơn 2.000 năm (Như vậy, nếu xét về diện tích, thì ngôi mộ ở Trung Quốc này còn nhỏ hơn ngôi mộ Hán hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Hải Dương. Ngôi mộ này khai quật ở xã Ái Quốc, huyện Nam Sách. Ngôi mộ là tòa nhà dưới lòng đất rộng tới 120m2). Theo tổng kết sơ khởi, các nhà khảo cổ thu được 200 món ngọc khí được điêu khắc tinh mỹ, đặc biệt là bộ áo mặc cho người chết được khâu bằng hàng vạn viên ngọc, gọi là ti lũ ngọc y; hơn 500 món thanh đồng; 125 món thanh đồng chung; 1.314 nữu chung đồng; bộ câu dược bằng đồng 148 cái; 23 chiếc ấn bằng vàng ròng; 36 đỉnh đồng; 10 thùng đồ trang sức bằng vàng gắn hạt châu, 5 bộ ngà voi… Tổng số cổ vật quý thu được chất đầy 2 xe tải lớn.
Cũng theo Thạc sĩ Đặng Vân, những ngôi mộ Hán cũi gỗ hoặc xây vòm chứa cổ vật chất đầy xe tải ở Trung Quốc thì nhiều không kể xiết. Những ngôi mộ Hán này cũng tương tự như những ngôi mộ ở phía Bắc Việt Nam.