Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cái chết của cô gái 19 tuổi và cơn giận dữ của người Myanmar

(VTC News) -

Ma Kyal Sin muốn truyền đi thông điệp lạc quan thông qua chiếc áo phông mình mặc, nhưng cô gái trẻ không kịp chờ tới những ngày yên bình trở lại với Myanmar.

Ma Kyal Sin, 19 tuổi cùng bạn bè tham gia cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar hôm 3/3. 

Dù mặc chiếc áo in dòng chữ "mọi chuyện rồi sẽ ổn", cô gái trẻ vẫn chuẩn bị sẵn kịch bản xấu nhất. Ma để lại thông tin chi tiết về nhóm máu, số điện thoại liên lạc và yêu cầu được hiến xác nếu mình qua đời. 

Ma thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bắn trúng đầu trên một con phố ở Mandalay. 

Cô là một trong 38 người bỏ mạng trong ngày đẫm máu nhất kể từ khi người dân Myanmar xuống đường phản đối chính quyền quân sự. Thông điệp in trên áo phông của Ma được nhiều người đăng tải trên mạng xã hội để thách thức lực lượng an ninh. 

Ma Kyal Sin nấp sau tấm băng rôn khi cảnh sát trấn áp người biểu tình. (Ảnh: Reuters)

Myat Thu, người có mặt cùng Ma trong cuộc biểu tình nói Ma là một người dũng cảm. Cô đá vỡ ống nước để người biểu tình rửa hơi cay dính vào mắt và ném bình hơi cay về phía cảnh sát. 

"Khi cảnh sát nổ súng, em ấy nói với tôi 'Ngồi xuống! Ngồi xuống! Anh sẽ dính đạn đấy'. Em ấy chăm sóc và bảo vệ người khác", Myat Thu nhớ lại. 

Myat Thu cho biết anh và Angel là hai trong hàng trăm người biểu tình ôn hòa ở Mandalay hôm 3/3.

Trước khi cảnh sát tấn công, Ma hét lên: "Chúng tôi sẽ không chạy... Đừng gây đổ máu". 

Theo Myat Thu, cảnh sát ban đầu trấn áp người biểu tình bằng hơi cay trước khi dùng đến đạn. 

Những bức ảnh được chụp lại trước khi Ma chết cho thấy cô gái trẻ đang tìm chỗ ẩn nấp bên cạnh một tấm băng rôn, đầu hơi ngẩng lên. 

Lúc hay tin một cô gái chết vì trúng đạn, Myat Thu không hề biết đó là Ma. Nhưng khi xem ảnh đăng tải trên Facebook, anh nhận ra cô gái 19 tuổi nằm bên cạnh một nạn nhân khác. 

Máu đã đổ trên các con phố ở Mandalay, ở Yangon suốt nhiều ngày qua. Quân đội Myanmar cho biết một cảnh sát đã chết và họ sẽ hành động chống lại những người biểu tình bạo loạn. 

Niềm tự hào lần đầu tiên được bỏ phiếu 

Myat Thu quen Ma tại một lớp học taekwondo. Ma cũng là vũ công tại Câu lạc bộ khiêu vũ DA-Star của Mandalay. Cô thường xuyên chia sẻ các video tập nhảy của mình trên Facebook. 

Tháng 11 năm ngoái, Ma hồ hởi chia sẻ niềm tự hào của mình khi lần đầu đi bỏ phiếu. 

"Lá phiếu đầu tiên của tôi. Tôi đã làm nghĩa vụ của mình với đất nước", Ma viết trên Facebook đi kèm bức ảnh hôn ngón tay nhuộm màu tím - dấu hiệu cho thấy cô đã bỏ phiếu. 

Chính quyền quân sự hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử này, khẳng định Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) đã gian lận. Ủy ban bầu cử của Myanmar bác bỏ cáo buộc đó.

Vào ngày diễn ra cuộc đảo chính hôm 1/2, Ma viết trên Facebook rằng cô không biết chuyện gì đang xảy ra khi Internet bị cắt. 

Trong những ngày sau đó, Ma bắt đầu xuống đường, vẫy lá cờ đỏ của NLD như một cách biểu hiện sự ủng hộ với chính quyền dân sự. 

Dù cảnh sát bắt đầu trấn áp mạnh tay với người biểu tình, Ma vẫn tiếp tục xuống đường tuần hành. 

Kyaw Zin Hein, một người bạn của Ma chia sẻ tin nhắn cuối cùng Ma gửi cho mình. 

"Đây có thể là lần cuối cùng tớ nói điều này. Yêu cậu nhiều lắm. Đừng quên", Ma viết. 

Câu chuyện của Ma cùng sự dũng cảm của cô gái trẻ được chia sẻ chóng mặt trên các trang mạng xã hội Myanmar. 

"Em ấy là một cô gái hạnh phúc. Em ấy yêu gia đình và cha em ấy cũng yêu em ấy rất nhiều. Chúng tôi không phải đang ở trong một cuộc chiến. Không có lý do gì dùng đạn thật bắn vào dân", Myat Thu nói. 

Song Hy

Tin mới