Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cái chết của Antonov - tượng đài ngành công nghiệp hàng không Liên Xô

(VTC News) -

Những mảnh vỡ của chiếc Antonov 225 như biểu tượng của sự chấm hết đối với thương hiệu hàng không nổi tiếng bậc nhất từ thời Liên Xô.

Chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới Antonov 225 của Ukraine tan tành trong một cuộc tấn công của Nga vào các căn cứ không quân Ukraine. Sự kiện cũng đặt dấu chấm hết cho một trong những thương hiệu hàng không nổi tiếng nhất thế giới của Liên bang Xô Viết.

Thời kỳ hoàng kim

Tập đoàn sản xuất máy bay Antonov được thành lập năm 1946 tại Novosibirsk với tư cách cơ quan nghiên cứu và thiết kế hàng không tuyệt mật. Tới năm 1952, Antonov chuyến trụ sở về Kiev. 

Ở thời điểm đó, Antonov là hãng sản xuất máy bay chở hàng, chở khách và máy bay chuyên dụng hàng đầu trên thế giới.

Nhờ hệ thống phòng thiết kế, phòng thí nghiệm, nhà máy thử nghiệm và tổ hợp thử nghiệm bay hiện đại, Antonov có thể hoàn thiện đầy đủ tất cả các chu trình chế tạo máy bay, từ nghiên cứu, sản xuất hàng loạt cho tới hỗ trợ tổng thể sau khi bán sản phẩm. 

Buổi giới thiệu máy bay AN-132D tại Kiev năm 2016. (Ảnh: RBTH)

Trong suốt hàng chục năm phát triển, Antonov đóng góp cho ngành hàng không thế giới hơn 100 loại máy bay với 22.000 chiếc mang thương hiệu An nổi tiếng như: An-32, An-148, An-158, An-74, An-124, An-7.

Trong khi AN-148 được ví là tinh hoa của ngành công nghiệp hàng không Ukraine, An-124 nổi danh là vận tải cơ chuyên “cõng” máy bay, xe tăng tới khắp nơi trên địa cầu,

Tuy nhiên, máy bay nổi tiếng nhất do Tập đoàn Antonov thiết kế phải kể tới An-225 Mriya (có nghĩa là ước mơ trong tiếng Ukraine) - siêu máy bay nặng nhất từng được chế tạo.

Với 6 động cơ phản lực, nó có trọng lượng cất cánh tối đa tới 250 tấn. Nhờ  sải cánh dài gần bằng một sân bóng đá, gã khổng lồ có thể vận chuyển hàng hóa với tải trọng lớn hơn bất kì loại máy bay nào. AN-225 có khả năng chứa tới 950 m3 hàng hóa, cho phép nó vận chuyển đến 16 chiếc container hoặc 80 xe hơi. 

Với việc nắm giữ 240 kỷ lục thế giới bao gồm khả năng vận chuyển hàng hóa nặng nhất và mang theo thể tích hàng hóa lớn nhất, An-225 được coi là một trong những di sản ngoạn mục nhất của hàng không Liên Xô cũng như thế giới.

Siêu máy bay này được các công trình sư Liên Xô nghiên cứu và phát triển trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh. Đây là chiếc máy bay vận tải khổng lồ thách thức trọng lực và là biểu tượng của Xô Viết nhằm khẳng định sự thống trị bầu trời của phương Đông. Cho đến nay, chỉ có duy nhất một chiếc An-225 được hoàn thiện.

Trên thực tế, Antonov cũng ôm mộng cho ra đời chiếc An-225 thứ hai, nhưng nguồn kinh phí cho dự án đầy tham vọng này không còn nhà nước chu cấp, khiến dự án trở nên dang dở.

Suy tàn

Tháng 7/2017, Chính phủ Ukraine thông báo thành lập ủy ban đặc biệt để quản lý quá trình khai tử Antonov. 

Ông Yury Brovchenko, Thứ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại khi đó được chỉ định dẫn đầu ủy ban này và đảm bảo trong vòng hai tháng thực hiện các biện pháp liên quan đến việc đóng cửa bên liên quan và thanh toán nợ.

Dù thông báo được đưa ra vào năm 2017 nhưng trên thực tế, quyết định về việc giải thể Antonov được thông qua hồi tháng 1/2016. 

Lý do mà giới chức Ukraine đưa ra cho quyết định này là Antonov thiếu thành viên tham gia bởi cả 3 xí nghiệp sở hữu và tạo thành tập đoàn này đã rời Antonov và gia nhập Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Ukraine Ukroboronprom.

Chiếc An-225 được coi là một trong những di sản ngoạn mục nhất của hàng không Liên Xô cũng như thế giới. (Ảnh: Jetphotos)

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn tới việc khai tử của tượng đài hàng không thế giới nằm ở vấn đề kinh phí. 

Cho đến ngày bị đóng cửa, Antonov gánh khoản nợ 706 triệu hryvnia (khoảng 27 triệu USD). Theo thống kê, kể từ khi Ukraine giành độc lập vào năm 1991, Antonov chỉ sản xuất được khoảng 20 máy bay.

Năm 2009, Antonov bắt đầu sản xuất máy bay thương mại nhưng công ty liên tiếp gặp khó khăn. Năm 2013, Antonov chỉ sản xuất được 4 chiếc máy bay. Tới năm 2014, hãng này cũng chỉ xuất xưởng thêm 2 chiếc máy bay cỡ nhỏ khác. Vài năm sau đó, Antonov chế tạo thêm 5 chiếc máy bay nhưng mãi không thể tìm kiếm đầu ra cho chúng.

Khó khăn là vậy nhưng Antonov vẫn phải nuôi hàng chục nghìn nhân công tại các xưởng phụ tùng. 

Trước đây, Antonov và nhiều doanh nghiệp chế tạo hàng không Ukraine thường kiếm được nhiều đơn hàng gia công thiết bị, chế tạo linh kiện từ Nga. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Nga bắt đầu định hướng độc lập sản xuất linh kiện, khiến các hãng hàng không của Ukraine rơi vào tình trạng "đói đơn", ảnh hưởng lớn tới nguồn thu. 

Antonov cũng từng trải qua cơn khủng hoảng sau khi bị xóa khỏi thành phần liên doanh Nga-Ukraine UAC-Antonov năm 2015. UAC-Antonov được thành lập khi quan hệ giữa 2 quốc gia còn mặn nồng với nhiệm vụ đảm trách phát triển các mẫu máy bay mới. 

Trong suốt một khoảng thời gian dài sau khi Liên Xô tan rã, Antonov duy trì quan hệ chặt chẽ với ngành quốc phòng Nga.

Nhưng sau khi Nga và Ukraine cắt đứt quan hệ kỹ thuật - quốc phòng do Moskva sáp nhập Crimea, Antonov rơi vào tình trạng điêu đứng do thiếu linh kiện do Nga sản xuất. Ngoài ra việc Moskva cắt giảm phần lớn các khoản hỗ trợ cho Antonov khiến hãng hàng không này mất thị trường và khó có thể duy trì hoạt động.

Tháng 9/2016, Chủ tịch Antonov Aleksander Kotsiuba thừa nhận tập đoàn không đủ năng lực sản xuất hàng loạt máy bay vì vấn đề kinh tế cũng như không nhận được hỗ trợ từ nhà nước.

 

Ngay khi ngừng hợp tác với Nga, dây chuyền lắp ráp máy bay của Antonov cũng lâm vào cảnh khủng hoảng khi không mất đi khách hàng lớn nhất. (Ảnh: Sputnik)

Antonov từng đặt rất nhiều kỳ vọng sau khi ông Donald Trump khi đó là Tổng thống mới đắc cử của Mỹ tuyên bố muốn cắt hợp đồng sản xuất không lực 1 cho Boeing. 

“Ngài Donald Trump, liệu việc cân nhắc sử dụng máy bay của Antonov làm Không lực một có thể tốt hơn không?”, hãng máy bay nhà nước Ukraine viết trên trang mạng Twitter khi đó.

Lời ngỏ của Antonov nghe có vẻ như một lời bông đùa, nhưng tất cả đều hiểu rằng các đơn đặt hàng mới từ Mỹ hoặc các nước khác sẽ giúp thúc đẩy tương lai của hãng này.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ sau đó không có bất cứ hồi đáp nào về đề nghị này và mọi chuyện nhanh chóng chìm vào dĩ vãng. 

Không thể giải quyết gánh nặng nợ nần, Antonov phải đi tới bước giải thể. Sau khi giải thể, toàn bộ tài sản của Antonov được chuyển giao cho Tập đoàn Nhà nước Ukroboronprom.

Sự suy tàn của Antonov không chỉ là đặt dấu chấm hết cho một trong những tượng đài của ngành công nghiệp hàng không Liên Xô mà còn là tổn thất không nhỏ với cả nền công nghiệp của quốc phòng của Ukraine. 

“Antonov là át chủ bài của Ukraine. Tập đoàn này đã chế tạo nên những loại máy bay vận tải mạnh mẽ nhất thế giới, đánh bại tất cả các kỷ lục về loại máy bay này trên toàn cầu. Mất Antonov, Ukraine như bị chặt đứt một cánh tay",  nhà phân tích quân sự độc lập của Ukraine - ông Valentyn Badrak đánh giá.

Antonov giải thể để lại một di sản khổng lồ nhiều giấy phép sản xuất các loại siêu máy bay như An-225 Mriya, An-124 Ruslan, An-70 hay An-140.

Hiện tại, việc hàng nghìn máy bay cho mà Antonov chế tạo vẫn đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng khiến không ít người tiếc nuối cho quá khứ vàng son của tập đoàn hàng không tồn tại hơn một nửa thế kỷ.

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới