Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Những dấu mốc quan trọng

(VTC News) -

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cuộc Tổng khởi nghĩa cuối tháng 8/1945 giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức - Ý - Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh. Trong ảnh: Chiến sĩ Hồng quân cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Nhà Quốc hội Đức ngày 2/5/1945. (Ảnh: Getty Images/Báo Nhân Dân).

Ở trong nước, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Ngày 2/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

23h ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua "10 chính sách lớn của Việt Minh"; thông qua "Lệnh Tổng khởi nghĩa"; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời với sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Truyền hình Nhân Dân).

Sau Đại hội Quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Ngày 14 - 18/8, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Trong ảnh: Ngày 14/8/1945, đội du kích Ba Tơ tiến về thị xã Quảng Ngãi, cùng Nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN).

Sáng 19/8/1945, Hà Nội tràn ngập khí thế cách mạng, đồng bào tập trung kéo đến quảng trường Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Đại biểu Việt Minh đọc tuyên ngôn, chương trình của Việt Minh và kêu gọi Nhân dân đứng dậy giành chính quyền. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế quần chúng khởi nghĩa, quân Nhật không dám chống lại. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN).

Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn tay sai tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Trong ảnh: Quần chúng Nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ phủ - cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN).

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội tạo tiếng vang nhanh trong cả nước, cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh thành, làm tăng thêm cuộc khủng hoảng trong hàng ngũ kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Trong ảnh: Nhân dân Thừa Thiên Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ Huế. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN).

Ngày 25/8/1945, Việt Minh với Thanh niên Tiền Phong làm nòng cốt tổ chức biểu tình và giành chính quyền ở Sài Gòn. Trong ảnh: Nhân dân Sài Gòn biểu dương lực lượng sáng 25/8/1945. (Ảnh: Tư liệu/Trang tin điện tử Thành ủy TP.HCM).

Đến ngày 28/8/1945 hầu hết các địa phương trong cả nước giành được chính quyền. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày (14 - 28/8/1945), quyền thống trị, áp bức của bọn đế quốc được xây dựng suốt gần 100 năm đã bị Nhân dân ta lật đổ hoàn toàn. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thực sự thuộc về Nhân dân.

Chiều 30/8/1945, ở Ngọ Môn, hàng vạn Nhân dân cố đô Huế trong màu cờ đỏ sao vàng đã chứng kiến Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam - đọc lời thoái vị và trao ấn, kiếm cho cách mạng. (Ảnh: Tư liệu/VOV).

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh khổng lồ của gần 1 triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Anh Văn (Tổng hợp)

Tin mới