Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Các trường ở Hà Nội ứng phó thế nào khi xuất hiện F0?

(VTC News) -

Các trường ứng phó thế nào để hạn chế lây lan diện rộng và không ảnh hưởng hoạt động dạy học khi xuất hiện F0?

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường liên cấp Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội), mở cửa trường học không tránh khỏi những rủi ro, nguy cơ lây nhiễm học sinh trở thành F0. Điều quan trọng là các trường lên kịch bản ứng phó ra sao để không lây lan rộng.

Với trường Đoàn Thị Điểm, giáo viên chủ nhiệm các lớp được yêu cầu thường xuyên cập nhật tình hình sức khoẻ của học sinh từ phụ huynh. Những em biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt sẽ được ở nhà theo dõi sức khoẻ và xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được tiếp tục đến trường.

"Trường đặt sức khoẻ và sự an toàn của học sinh lên hàng đầu", bà Hiền nói và cho biết, nếu không may phát hiện F0, trường sẽ khoanh vùng từng lớp thay vì đóng cửa toàn bộ, tránh ảnh hưởng hoạt động dạy học và tâm lý của học sinh toàn trường.  

Học sinh trở lại trường học. (Ảnh minh hoạ: M.C)

Bà Văn Thuỳ Dương, phó hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước khi mở cửa đón học sinh, ban giám hiệu nhà trường nhiều lần họp bàn về các kịch bản, tình huống có thể xảy ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các tình huống khi phát hiện học sinh mắc COVID-19 tại trường.

Trường cũng thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin, tình hình sức khoẻ của học sinh thông qua phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm các lớp. Trường yêu cầu phụ huynh tự test nhanh cho con tại nhà từ 1 - 2 lần/tuần trước khi trở lại trường để đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

"Khi phát hiện ra F0, trường sẽ nhanh chóng khoanh vùng, yêu cầu F1 tự cách ly tại nhà theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và thực hiện test nhanh âm tính trước khi trở lại trường học. Với học sinh không may mắc COVID-19, trường phối hợp với gia đình theo dõi sức khoẻ và bố trí cách thức học phù hợp cho các em", bà Dương. Quan điểm của trường sẽ không đóng cửa toàn bộ khi có F0 mà thay vào đó là khoanh vùng diện hẹp, từng lớp, từng tầng và từng toà nhà học.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội thông tin, trong 2 ngày đầu tiên trở lại trường, phòng ghi nhận 89 học sinh và 6 giáo viên là F0. Các trường hợp này chủ yếu phát hiện từ trước khi đến trường, đang được cách ly ngay tại nhà, không gây ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên khác.

Với một số học sinh từng tiếp xúc gần với F0 tại trường đã được tạm nghỉ ở nhà học trực tuyến và theo dõi sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Các lớp khác học bình thường và không "đóng sập" cửa trường sau khi phát hiện thấy F0.

"Chúng tôi xác định khi mở cửa trường học, chắc chắn sẽ xuất hiện các ca F0 nhưng quận đã tập huấn cho các nhà trường phương pháp xử lý, không hốt hoảng và khoanh vùng, không đóng cửa trường như trước đây", bà Hằng nói.

Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT

Trước khi học sinh cả nước trở lại trường, Bộ GD&ĐT ban hành sổ tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, Bộ nêu rõ 4 bước xử lý khi phát hiện trường hợp học sinh mắc COVID-19.

Bước 1, thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của sở GD&ĐT, cha mẹ học sinh, cách ly tạm thời F0 tại trường. Thông báo ngay cho trạm y tế địa phương để triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Bước 2, đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.

Bước 3, tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Các lớp khác hoạt động bình thường.

Bước 4, cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, người tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 tự cách ly y tế tại nhà 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 3, 7.

Những người tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly y tế 10 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 5, 10. Còn người chưa tiêm vaccine thì cách ly y tế 14 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, 7, 13.

Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu phát hiện 1 ca dương tính thì cho toàn bộ các em là F1 cách ly tại nhà theo quy định.

Không miệt thị F0

Ngày 8/2, trong gửi công điện đến giám đốc các Sở GD&ĐT, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương, các trường cần tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học, tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.

Ngoài ra, các trường triển khai các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch và xử lý các tình huống phát sinh kịp thời và hiệu quả theo các phương án, kịch bản được UBND tỉnh phê duyệt.

Bộ trưởng lưu ý không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.

Hà Cường

Tin mới