Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các triều đại xưa phòng chống tham nhũng ra sao?

(VTC News) -

Kể từ nhà Lý đến nhà Nguyễn, triều vua nào cũng có những viên quan tham lam, nhưng cũng có nhiều vị thanh liêm chống lại thói tệ này trong chốn quan trường.

Kỳ 1: Những vụ tham nhũng, vơ vét điển hình

Một vị quan và vợ. Ảnh minh họa: Internet

“Quan béo” và quan không đủ tiêu chuẩn

Một vị quan dưới triều Nguyễn. Ảnh minh họa: Internet

Chức quan  trong triều đại phong kiến có 9 phẩm, hai bậc chính tòng, hai ban văn võ, tất  cả có 36 chức quan cao thấp khác nhau. Các chức quan trong triều  và có liên quan đến hoàng tộc thường được xếp ở bậc cao. Các chức quan địa phương hoặc các quan chuyên môn ở bậc thấp hơn.

Công việc và hưởng thụ của các  quan cũng rất khác nhau. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, quan bận rộn nhiều bổng lộc là các ngạch quan có liên quan đến các mặt xét xử kiện tụng, trưng thu thuế má, tiếp xúc nhiều với dân chúng. Sử cũ gọi đó là hạng “quan béo” (phì quan).

Còn các loại quan thuộc ngạch giáo dục, văn hóa và các vị có hàm mà không có thực chức (tản quan) công việc và bổng lộc đều ít. Danh nho Phạm Đình Hổ gọi đó là các vị quan “nhàn rỗi không đủ tiêu”. Trong khi một số quan có quyền thế thường sai gia nhân ra chợ mua hiếp của dân, sai tay chân đi cướp bóc những chậu cây cảnh hiếm quý của các nhà giàu, thì một số đông khác đời sống hàng ngày vẫn rất thanh bạch.

Tất nhiên không phải quan nào cũng lộng quyền, tha hóa, từ nhà Lý đến nhà Nguyễn, trong các triều vua vẫn có rất nhiều quan thanh liêm. Họ thấm nhuần quan là cha mẹ dân (dân chi phụ mẫu), nhưng vẫn là đầy tớ của dân (dân chi công bộc). Ví dụ như Hành khiển Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) nổi tiếng liêm khiết về câu chuyện không nhận 10 quan tiền vô chủ ban đem đặt trước cửa nhà mình. Quan kiểm pháp Trần Thì Kiến (1260-1330?) vì trót ăn cỗ biếu của người có tình ý hối lộ, đã móc họng nhổ ra hết thức ăn ra, giữ lòng trong sạch.

  Dùng vịt nuôi chim ưng

Đền thờ Hàn lâm viện học sĩ tại Nghệ An. Ảnh: Internet

Quan niệm “Một người làm quan cả họ được nhờ” phổ biến trong xã tắc giang sơn. Thậm chí, ngay cả người học cao biết rộng như Hồ Tông Thốc (1324-1404), một ông  quan  được phong làm Hàm lâm viện học sĩ năm 1372 thì sách Đại Việt sử ký toàn thư vẫn chỉ trích: “Trước kia Tông Thốc làm An phủ, có lấy của dân, việc bị phát giác, Trần Nghệ Tông (1321-1394) thấy làm lạ hỏi ông chuyện đó. Tông Thốc lạy tạ thưa rằng: “Một con chịu ơn vua, cả nhà ăn lộc trời, vua tha tội cho”.

Trần Khánh Dư (1240?-1340) nổi tiếng về tài cầm quân và đã góp công lao lớn trong cuộc  kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và đánh Chiêm Thành. Không chỉ nổi tiếng về cầm quân ông còn có tài văn chương. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông chính là người viết lời tựa cho sách Binh thư yếu lược của Trần  Hưng Đạo.

Trần Khánh Dư lắm tài nhưng nhiều tật. Ông trả lời vua Trần về tính tham lam của mình: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”. Đại Việt sử ký toàn thư viết về ông như sau: “Khánh Dư tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Trần Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi”.

Đổi mạng vua lấy 10 mâm vàng

Đời vua Trần Duệ Tông (1372-1377), quan Hành khiển Đỗ Tử Bình được lệnh trấn giữ ở Hóa Châu (nay là vùng Bình Trị Thiên). Vua Chiêm khi đó là Chế Bồng Nga sai người đem 10 mâm vàng nhờ Đỗ Tử Bình dâng vua Duệ Tông với mục đích tạo mối hòa hiếu nhất thời để yên bề củng cố lực lượng, hòng đối phó lâu dài với Đại Việt. Nhận vàng xong, Đỗ Tử Bình đã  giấu vua  lấy làm của riêng, lại còn bịa đặt tâu vua xằng Chế Bồng Nga vô lễ, cần phải đem quân đi hỏi tội. Vua Duệ Tông tưởng thật, vô cùng tức giận liền cất quân đi đánh Chiêm Thành.

Ngày 23/1/1377 (năm Đinh Tỵ), Duệ Tông cùng quân tướng đến cửa Thị Nại (nay là khu vực Quy Nhơn, Bình Định) thì bị  Chế Bồng Nga dùng mưu đẩy  vào vùng đất hiểm rồi vây đánh bốn bề  khiến Trần Duệ Tông cùng một loạt tướng lĩnh như: Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh chết trận còn Ngự Câu Vương Húc bị bắt sống. Trận này, Đỗ Tử Bình dù được giao chỉ huy hậu quân nhưng đã  không đến cứu nên thoát nạn.  

Quân Đại Việt thua trận, triều đình sai bắt Đỗ Tử Bình rồi đóng cũi  đưa về Thăng Long để trị tội. Cũi nhốt Đỗ Tử Bình đi đến đâu đều bị dân dọc hai bên đường chửi rủa và ném đá. Duệ Tông chết, Trần Phế Đế lên thay, dù tội  Đỗ Tử Bình đã rõ, công danh tưởng như mất hết nhưng chỉ ít lâu sau, Đỗ Tử Bình lại được cất nhắc, leo dần lên bậc đại thần, quyền uy có phần còn lớn hơn trước nữa. Kẻ tham lam, hèn nhát ấy mất vào khoảng năm 1382, và không  hiểu sao, vua  lại truy tặng Bình tước Thái bảo, cho tòng tự ở Văn Miếu.

Tượng thờ Phan Phu Tiên tại nhà thờ họ Phan ở làng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), quê hương của ông.

Chuyện này khiến thiên hạ rất bất bình. Đại Việt sử kí toàn thư chép lại lời bàn của  Phan Phu Tiên như sau: “Bậc danh nho các đời bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, cốt để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu Văn An, Trương Hán Siêu, vì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật. Chu Văn An sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết không cầu hiển đạt, thì cũng cho là được. Đến như Đỗ Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được đưa vào chỗ này?".

Còn Ngô Sỹ Liên cho rằng: “Tử Bình lén đánh cắp vàng cống của Bồng Nga, tâu bậy lừa vua để đến nỗi Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về nữa, nước nhà từ đó liên tiếp mắc họa Chiêm Thành, tội ấy giết cũng chưa đáng”.

Cưới con bắt quan các trấn, lộ nộp quà

Con gái của vua Lê Thái Tông, chị của vua Lê Nhân Tông là Vệ Quốc trưởng công chúa, sinh năm 1439 nhưng mấy năm sau không nói được, thuốc thang đến năm 1448 bệnh vẫn không lui. Tuy tuổi còn nhỏ, lại bị câm, song  đến tháng 11/1448, Vệ Quốc trưởng công chúa vẫn bị bắt gả cho Lê Quát là con trai của Thái úy Lê Thụ. Hôn lễ của Vệ Quốc trưởng công chúa đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư chép lại: “Tháng 11, đem chị cả của vua là Vệ Quốc trưởng công chúa gả xuống cho Lê Quát là con trai của quan Thái úy Lê Thụ. Bấy giờ, công chúa mới lên mười, mắc chứng câm không nói được. Vua xuống chiếu giao cho quan Tư khấu là Trịnh Khắc Phục làm chủ hôn.

 Khi ấy, Lê Thụ lo sắm lễ cưới, những kẻ ưa cầu cạnh hay tin liền tranh nhau đem nạp của cải để mong được hưởng phú quý. Gấm thêu, lĩnh, là, vóc, lụa... đang bày bán ngoài phố đều bị chúng tranh mua hết cả. Lê Thụ còn bắt quan lại ở khắp các trấn, lộ, phải sắm đủ trâu, bò và các thứ lễ vật khác. Các quan địa phương cũng muốn lấy lòng Lê Thụ nên bắt quân lính và nhân dân đóng góp rất nhiều.

Đài quan lúc ấy là Đồng Hanh Phát đã dâng sớ tâu hặc. Lê Thụ cởi mũ để tạ tội, nhưng lệnh của Lê Thụ đã trót gửi  đi khắp nơi  nên các quan địa phương vẫn đưa lễ vật tới nhà Lê Thụ. Lê Thụ không từ chối mà Đồng Hanh Phát cũng không nói đến nữa. Sau đó, Hanh Phát cũng mang lễ vật đến nhà Lê Thụ lạy tạ. Kẻ thức giả đều lấy đó mà chê bai”.  

Buổi đầu của triều đại Lê Thánh Tông, tệ quan lại tham ô, tham nhũng khá phổ biến: “Trên từ tể tướng, dưới thì trăm quan, thi nhau tranh giành tư lợi, ăn của đút và đưa đón một cách công khai”.  

Lộng hành để vơ vét

Tượng thờ vua Lê Thần Tông ở Mật Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Internet

 Đại Việt sử kí toàn thư nhận xét về nhân cách của quan lại triều Lê Thần Tông như sau: “Bấy giờ, bọn khâm sai và võ tướng, phần nhiều cậy thế có công, lại được thân cận với vua và chúa cho nên không chịu tuân theo chiếu chỉ, mệnh lệnh, lấy lạm của dân, công nhiên hối lộ, tự tiện sa thải người già hoặc miễn bắt lính cho người này người nọ làm cho thiên hạ điên đảo vì bất công, nhiều phen bị chất vấn, quở trách mà vẫn không chừa”.

Trước  thực trạng  trên, tháng 4/1632 (năm Nhâm Thân), triều đình đã  bãi chức của một số quan lại để  làm gương để răn đe kẻ khác. Đại Việt sứ ký toàn thư chép: “Mùa hạ, tháng Tư, bãi chức của Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lại. Bấy giờ, bọn Lại bộ Tả thị lang là Nguyễn Tuấn và Lại bộ Hữu thị lang là Nguyễn Lại, khi tuyển bổ các chức, thường hay nhũng lạm. Quan lại của triều đình là Nguyễn Thực và Nguyễn Khải hặc tội. Họ liền bị bãi chức, nhưng rồi lại cho tiếp tục làm công việc tuyển dụng quan lại, và họ lại ngang nhiên ăn của đút. Lúc ấy, có người làm câu hát:

Các chức bị viên         

Lưỡng Bột tận điền.

Nghĩa là: Nếu các chức mà tuyển bổ được đầy đủ thì hai làng Bột Thượng và Bột Hạ (Lưỡng Bột) sẽ hết sạch cả ruộng (Nguyễn Lại quê ở làng Bột Thượng) Hai câu có ý chỉ việc Nguyễn Lại ăn hối lộ nhiều sẽ thừa tiền để mua hết đất của hai làng Bột).

Còn nữa

Nguyễn Ngọc Tiến

Tin mới