Thị trường startup Việt Nam có nhiều thay đổi sau một năm ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, các quỹ nước ngoài đang chiếm ưu thế cả về số lượng và giá trị đầu tư.
Theo báo cáo quý I mới công bố của Nextrans Vietnam, một quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc, tổng giá trị các khoản đầu tư trong 3 tháng đầu năm vào các startup Việt Nam đạt hơn 100 triệu USD.
So với giai đoạn cùng kỳ năm 2020, số lượng thương vụ đầu tư trong đầu năm 2021 giảm 20%, chỉ đạt 16 thương vụ. Đây là mức khá thấp so với 20 thương vụ năm 2020 và 30 thương vụ năm 2019. Mặc dù số lượng đầu tư giảm, giá trị các khoản đầu tư tại tăng cao. Tổng giá trị đầu tư tăng khoảng 34% so với năm 2020 chưa tính đến những khoản đầu tư không được công bố.
Báo cáo cũng cho thấy các nhà đầu tư quốc tế đang có mức đầu tư vượt trội hơn nhà đầu tư trong nước cả về số lượng và giá trị đầu tư. Cụ thể, trong quý I, tổng giá trị đầu tư của các nhà đầu tư trong nước đạt dưới 10 triệu USD, trong khi con số này của các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 100 triệu USD.
Trong số đó, các khoản đầu tư ở vòng "hạt giống" và Series A cũng chiếm ưu thế với 70% số thương vụ, tăng cao so với cùng kỳ 2020 và 2019.
Theo nhận định của giới phân tích, các lĩnh vực được các nhà đầu tư tập trung hiện nay là công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, giải pháp doanh nghiệp và logistic. Các quỹ đầu tư đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái startup tại Việt Nam.
Hiện nay, có gần 180 quỹ đầu tư đang có mặt tại Việt Nam với những cái tên lớn như VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Viietjnam, Nextrans... Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang rất tích cực trong việc tìm kiếm những startup tiềm năng để rót vốn đầu tư.
Cùng với các quỹ đầu tư đến từ Singapore và Hàn Quốc, Việt Nam cũng là một trong những nguồn đầu tư chủ chốt cho thị trường startup Việt Nam. Đáng chú ý, trong năm 2021, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái startup để rót vốn đầu tư cũng như hợp tác với các startup được sáp nhập.
Tháng 12/2020, VNG đã đầu tư 100 tỷ đồng trong vòng Series A cho startup EcoTruck. Đến tháng 3 vừa qua, VNG tiếp tục đầu tư 138 tỷ đồng cho Got It, một nền tảng tặng quà trực tuyến. VinaCapital cũng đã rót 1 triệu USD vào vòng Series A của ứng dụng livestream GoStream. Hay PNJ đã mua lại 30% cổ phần của ứng dụng tài chính Người Bán Vàng, khoản đầu tư trị giá 3 tỷ đồng.
Thông qua việc đầu tư này, các doanh nghiệp có thể thúc đẩy quá trình phát triển nhờ tăng tăng cường các giải pháp công nghệ vốn sẽ tốn nhiều thời gian nếu họ tự phát triển.
Báo cáo cũng ghi nhận công nghệ tài chính và công nghệ bất động sản là 2 lĩnh vực tăng trưởng khá nhanh trong giới startup.
Theo Nextrans, các công ty công nghệ bất động sản tại Việt Nam đang có xu hướng "bắt tay" với các ứng dụng công nghệ tài chính trên thị trường. Họ cho rằng sự hợp tác với các đơn vị cũng cấp dịch vụ ví điện tử sẽ giúp khâu thu phí từ người dùng diễn ra dễ dàng hơn.
Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ tài chính cũng được kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm tới với doanh thu các dịch vụ tài chính số dự kiến đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2025.
Trước sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19, xu hướng giáo dục trực tuyến cũng nhanh chóng được chào đón. Đây được xem là giai đoạn chín muồi cho các startup trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến "cất cánh".
Cùng với giáo dục trực tuyến, startup trong lĩnh vực y tế, sức khỏe tại Việt Nam cũng đang có nhiều động lực phát triển với 4 startup ấn tượng trong năm 2020. Dịch bệnh bùng phát cũng là thời điểm các dịch vụ bán thuốc trực tuyến trở nên phổ biến với cộng đồng tiêu dùng trong nước.