Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương bao gồm 18 quốc gia, việc mất đi 5 thành viên sẽ làm rạn nứt sự thống nhất trong khu vực. Australia lo ngại Trung Quốc có thể nắm bắt cơ hội này để củng cố ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương.
Năm thành viên vừa rút khỏi diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. (Ảnh: Simpson Yacht Charter)
Tuần trước, tiểu quốc gia Palau tiên phong rút khỏi PIF. Hôm 8/2, lãnh đạo nước này có cuộc trao đổi với người đứng đầu các quốc gia khác ở Bắc Thái Bình Dương để thảo luận về việc đồng loạt rút khỏi PIF. Các bên tham gia thảo luận gồm quần đảo Marshall, Nauru, liên bang Micronesia và Kiribati.
Gần đây, nhiều quốc đảo Thái Bình Dương đã chuyển sang liên kết với ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á do Trung Quốc hậu thuẫn. New Zealand và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại tự do nâng cấp, hai nước này loại bỏ gần như tất cả các loại thuế quan thương mại.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa chính thức bình luận về sự rạn nứt giữa các quốc đảo Thái Bình Dương. Truyền thông Trung Quốc tin rằng Mỹ và Australia phải chịu trách nhiệm cho vụ việc.
“Bắc Kinh có thể cố gắng khai thác mối quan hệ chia rẽ này để đạt được lợi ích địa chính trị... Tuyên bố của thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) rằng các quốc gia Thái Bình Dương cảm thấy mệt mỏi với Australia và chịu áp lực từ Mỹ là một ví dụ điển hình”, tiến sĩ Anna Powles, giảng viên cấp cao tại trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh tại đại học Massey, cho biết.
Theo báo cáo về viện trợ tại Thái Bình Dương của viện Lowy, Australia đã chi 920,8 triệu USD cho 4.320 dự án trên khắp Thái Bình Dương trong năm 2018, Trung Quốc đầu tư 241,1 triệu USD cho 77 dự án, Mỹ chi 186,3 triệu USD cho 311 dự án.