Tờ Politico dẫn một báo cáo của Viện kinh tế thế giới Kiel (Đức) cho biết, trong suốt tháng 7 vừa qua, sáu quốc gia lớn nhất thuộc liên minh châu Âu (EU) không đưa ra cam kết viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine.
Đây là tháng đầu tiên Ukraine không nhận được cam kết viện trợ quân sự mới nào từ EU kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2. Giới chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu cho thấy viện trợ quân sự cho Ukraine đang giảm dần, Politico kết luận.
Báo cáo của Kiel cũng chỉ ra rằng các gói viện trợ quân sự từ các nước đầu tàu của EU như Đức và Pháp khiêm tốn hơn rất nhiều so với mức hỗ trợ quân sự cho Ukraine từ Anh, Mỹ và Ba Lan.
Theo nhận định của Viện Kiel quy mô các cam kết hỗ trợ quân sự của EU dành cho Ukraine đang giảm dần. (Ảnh: Newsweek)
Trong suốt cuộc xung đột, Viện Kiel đã vận hành Công cụ theo dõi các khoản viện trợ cho Ukraine để liệt kê và ước tính các khoản hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo quốc tế cho Chính phủ của Tổng thống Volodyrmir Zelensky.
Ông Christoph Trebesch, trưởng nhóm theo dõi viện trợ dành cho Ukraine, cho biết dữ liệu của tổ chức cho thấy những cam kết hỗ trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine đang theo chiều hướng giảm dần kể từ cuối tháng 4.
“Mặc dù xung đột đang bước vào giai đoạn quan trọng, nhưng các sáng kiến viện trợ mới đã cạn kiệt”, ông Trebesch cho biết.
Vào tuần trước, các quốc gia phương Tây đã có cuộc trao đổi tại Copenhagen để đưa ra cam kết viện trợ thêm cho Ukraine 1,5 tỷ euro. Tuy nhiên theo ông Trebesch, con số này ít hơn nhiều so với các khoản viện trợ đã được đưa ra trong các hội nghị trước đó.
Nhà nghiên cứu này khẳng định rằng đối với EU, cuộc xung đột ở Ukraine cũng quan trọng như cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2009 hay đại dịch COVID-19. Châu lục này đã chi hàng tỷ USD cho các biện pháp khẩn cấp để đối phó với những cuộc khủng hoảng trên.
“Khi so sánh tốc độ ký những tờ séc và số tiền được chuyển đi với những đề xuất của Ukraine, đây chỉ là một con số rất nhỏ”, ông Trebesch nhấn mạnh.
Ông Trebesch lưu ý rằng quy mô quỹ khắc phục hậu quả đại dịch của EU là khoảng 800 tỷ euro cho các khoản vay và viện trợ không hoàn lại, trong khi sự giúp đỡ của khối dành cho Kiev chỉ là một phần nhỏ trong số đó.
Hồi tháng 7, các bộ trưởng tài chính EU đã phê duyệt gói viện trợ tài chính trị giá hơn một tỷ USD, nằm trong cam kết hơn 9 tỷ USD cho Ukraine. Hơn một tỷ USD mới này giúp nâng tổng số viện trợ tài chính mà EU dành cho Ukraine lên hơn 2,2 tỷ USD kể từ ngày 24/2. EU trước đó đã giải ngân hơn 1,2 tỷ USD cho Kiev.
Về phần mình, Nga liên tục cảnh báo EU, Mỹ, Anh và các đồng minh về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Moskva cho rằng điều đó chỉ kéo dài xung đột và tạo ra các vấn đề lâu dài đối với Ukraine.