Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy việc nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu trong giai đoạn 2017-2021 đã tăng 19% so với 5 năm trước đó. Trong thời gian này, tỷ lệ chuyển giao vũ khí quốc tế của khu vực châu Âu đạt mức 13%.
Các nước nhập khẩu nhiều vũ khí nhất là Anh, Na Uy và Hà Lan.
Hoạt động nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu đã tăng mạnh trong 5 năm qua. (Ảnh: AP)
Nghiên cứu của SIPRI cũng chỉ ra rằng khu vực châu Âu sẽ tăng cường nhập khẩu vũ khí trong thời gian tới - nhiều nước đã đặt hàng thêm nhiều loại vũ khí mới, đặc biệt là máy bay chiến đấu từ Mỹ.
“Việc quan hệ giữa hầu hết các nước châu Âu và Nga ngày càng xấu đi đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu vũ khí của khu vực”, ông Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc SIPRI, nói.
5 năm qua, tỷ trọng xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng tới 39%, trong khi Nga và Trung Quốc lần lượt giảm xuống còn 19% và 4,6%. Trong số các khu vực nhập khẩu vũ khí, châu Á và châu Đại Dương là những khách hàng lớn nhất - các nước tại đây tiếp nhận 43% lượng chuyển giao vũ khí quốc tế kể từ năm 2017.
Theo nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của SIPRI, “căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương” là nguyên nhân chính khiến khu vực này nhập khẩu vũ khí.
Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2017-2021. Tiếp đến là các nước bao gồm Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản.
Dù Ukraine có nguồn vũ khí tự sản xuất, nhưng nước này vẫn nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài trong cùng giai đoạn trên. Nhà cung cấp vũ khí chính cho Ukraine là Séc, chiếm tới 41% kim ngạch nhập khẩu, tiếp theo là Mỹ với 31%.