Dù không phải là thị trường ôtô có quy mô lớn khi so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là nơi có tính cạnh tranh khốc liệt. Vài năm qua đã có những dòng xe phải rút lui khi không được khách hàng ưa chuộng và có doanh số thấp. Trong nửa đầu năm 2021 cũng đã có một số cái tên đáng chú ý âm thầm dừng kinh doanh, bao gồm Toyota Vios GR-S, Kia Optima và Ford Explorer.
GR-S là phiên bản cao cấp nhất của Toyota Vios 2021 ra mắt hồi tháng 2. Đây được định vị là mẫu xe có phong cách thể thao dành cho người trẻ và có giá đề xuất từ 630 triệu đồng, hoặc tăng thêm 8 triệu đồng cho màu tùy sơn trắng ngọc trai.
Có thể thấy, hãng xe Nhật Bản muốn Vios thoát khỏi hình tượng một mẫu xe “ăn chắc mặc bền”. Hình ảnh mới của Toyota Vios GR-S tương đồng với đối thủ đồng hương Honda City RS và phần nào tạo được hiệu ứng tốt trong thời gian đầu.
Toyota Vios GR-S có giá bán cao nhất nhóm sedan hạng B. (Ảnh: Toyota).
Tuy vậy giá bán cao nhất phân khúc sedan hạng B và đắt ngang với 2 mẫu xe cỡ C như Kia Cerato, Hyundai Elantra khiến Toyota Vios GR-S không có được kết quả như kỳ vọng. Điều này thể hiện qua việc giá bán và thông số về Vios GR-S lặng lẽ biến mất khỏi website chính thức của Toyota Việt Nam vào tháng 5.
Trao đổi với một đại diện Toyota, vị này không nêu lý do Vios GR-Series bị cắt khỏi danh mục sản phẩm của hãng. Trong khi đó, khi liên lạc một vài đại lý Toyota thì Vios chỉ còn các phiên bản E MT, E CVT và G CVT (478-581 triệu đồng).
So với Honda City RS, Toyota Vios GR-S phần nào nổi bật hơn về thiết kế nhờ gói trang bị phụ kiện thể thao ở ngoại thất, còn cabin được trang bị ghế bọc da lộn có thêu chỉ đỏ trang trí. Bù lại, thông số vận hành của Vios GR-S kém hơn mẫu xe đồng hương dù dùng trang bị động cơ 1.5L, 106 mã lực so với 119 mã lực của Honda City.
Có thể Toyota đã thay đổi suy nghĩ và muốn quay lại tập trung vào các model thông thường để duy trì doanh số. Việc loại bỏ phiên bản GR-S sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh của Vios.
Ở đời xe 2021, Toyota Vios gặp nhiều khó khăn khi có giá bán cao hơn Hyundai Accent (426-542 triệu đồng). Nhiều tháng liền bị đối thủ Hàn Quốc dẫn trước về mặt doanh số khiến Toyota buộc phải tung ưu đãi lệ phí trước bạ cho Vios để kích cầu, dù mẫu xe này ra mắt chưa lâu. Tính đến hết tháng 7, doanh số tích lũy của Toyota Vios đạt 10.967 chiếc, nhỉnh hơn đôi chút Accent (10.932 chiếc).
Lần gần nhất Kia Optima ghi nhận doanh số trong năm nay là vào tháng 3, bắt đầu từ quý II mẫu sedan hạng D này đã không còn được Thaco lắp ráp và phân phối.
Theo thông tin từ đại lý, Kia Việt Nam lên kế hoạch giới thiệu Optima thế hệ thứ 5 trong năm nay nên các model cũ được “dọn kho” từ sớm.
Bản nâng cấp facelift của Kia Optima đời cũ bán tại Việt Nam từ tháng 4/2019 với ưu thế ngoại hình bắt mắt, trang bị tính năng đa dạng và giá bán dễ chịu hơn so với các đối thủ cùng hạng như Toyota Camry, Mazda6, Honda Accord hay Volkswagen Passat.
Giá bán cạnh tranh không giúp Kia Optima có doanh số tốt tại Việt Nam. (Ảnh: Toàn Thiện)
Ở thời điểm quý I, Kia Optima có 2 phiên bản Luxury và Premium với giá đề xuất dao động 759-919 triệu đồng, thấp nhất phân khúc D và tương đương vài dòng sedan hạng C như Mazda3, Honda Civic hay Toyota Corolla Altis.
Tuy vậy, doanh số của Optima vẫn thường xuyên kém hơn Camry và Mazda6 vì kém hơn về mặt thương hiệu. Kết sổ năm 2020, Optima bán được 949 xe, trong khi con số tương ứng của Camry và Mazda6 là 5.406 xe và 1.653 xe. Mẫu xe Hàn Quốc chỉ xếp trên Accord (285 xe).
Thực tế, nhóm sedan hạng D tầm 1 tỷ đồng đã gặp nhiều khó khăn trong vài năm qua khi thị hiếu người dùng chuyển sang chuộng xe gầm cao. Trước đây, Hyundai Sonata và Nissan Teana đã từng phải rút lui khỏi Việt Nam vì thị phần suy giảm mạnh.
Bên cạnh đó, việc VinFast Lux A2.0 liên tục được giảm giá sâu, ngang với xe cỡ C-D cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến doanh số của Optima, Camry cũng như Mazda6 trong hơn một năm qua. Kết thúc tháng 7, mẫu sedan Việt Nam bán được hơn 4.000 xe, bỏ xa Camry (2.535 xe) và Mazda6 (625 xe). Còn doanh số tạm tính của Optima trong năm nay đang là 96 chiếc.
Kia Optima 2022 sắp ra mắt được kỳ vọng giúp hãng xe Hàn Quốc cải thiện tình hình kinh doanh trong những tháng cuối năm, nhất là khi quy định giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước đang được Bộ Tài chính xem xét.
Tương tự Kia Optima, Ford Explorer cũng âm thầm được thanh lý đời xe cũ để chuẩn bị đón thế hệ mới về nước trong năm nay.
Nhân viên kinh doanh Ford đã bắt đầu nhận đặt cọc cho Explorer 2022 trong tháng 8 và thời điểm hẹn giao xe là vào cuối năm nay.
Tháng 2 là thời điểm sau cùng Ford Explorer có ghi nhận doanh số và có vỏn vẹn 3 chiếc SUV 7 chỗ nhập Mỹ đến tay khách hàng, tính đến thời điểm hiện tại. Trước đó, Ford Explorer đạt doanh số 1.098 xe trong năm 2020 và giữ vị trí bán chạy nhất phân khúc xe gầm cao 2 tỷ đồng.
Ford Explorer từng bị bán "bia kèm lạc" 200 triệu đồng vào năm 2018. (Ảnh: Thế Anh)
Tại Việt Nam, Ford Explorer không có quá nhiều đối thủ, 2 cái tên cạnh tranh chính có thể kể đến Toyota Land Cruiser Prado và Hyundai Palisade. Ngoài ra, Kia Việt Nam từng úp mở về khả năng phân phối Telluride theo diện nhập khẩu, còn Mazda CX-9 đã bị Thaco dừng kinh doanh từ lâu.
Phiên bản facelift của Ford Explorer bán ra tại Việt Nam trong năm 2018. Thế mạnh của mẫu SUV Mỹ là thông số vận hành tốt từ động cơ tăng áp 2.3L, không gian rộng rãi và nhiều tiện ích, công nghệ an toàn.
Dù vậy, việc chậm nâng cấp tại Việt Nam khiến Explorer dần đánh mất sức hút, khách hàng cũng chờ thế hệ thứ 6 ra mắt tại Mỹ từ năm 2019. Đến giữa năm trước, Ford đã điều chỉnh giá bán của Explorer còn 2 tỷ đồng để cải thiện tình hình cũng như dọn đường cho các model mới.
Trên Ford Explorer mới, ngoài việc thay đổi thiết kế thì nhà sản xuất còn cải thiện hiệu năng vận hành và bổ sung công nghệ an toàn thông minh. Có thể dự đoán giá bán của Ford Explorer 2022 sẽ tương đồng với Toyota Land Cruiser Prado (2,379 tỷ đồng) và Hyundai Palisade (khoảng 2,5 tỷ đồng).