Tại buổi họp báo chiều 21/9, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM - cho biết, việc thu tiền mua, sửa chữa máy lạnh và các vật dụng khác là do mỗi năm các trường có nhu cầu trang bị máy lạnh trên cơ sở có thỏa thuận với phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, các trường chỉ mua hoặc sửa chữa máy lạnh theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm chỉ trang bị máy lạnh cho một số phòng học nhất định.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo.
Các năm học sau có thể tiếp tục mua thêm để trang bị cho các phòng học khác nên tiếp tục vận động. Trong quá trình máy hoạt động có thể bị hư hỏng nên cần kinh phí vận động để bảo trì, sửa chữa.
“Việc trả tiền điện riêng cho sử dụng máy lạnh cũng phải vận động tài trợ đi đôi với việc mua và sử dụng máy lạnh, vì máy lạnh là loại thiết bị tiêu hao điện năng nhiều. Trong khi việc sử dụng điện luôn có hạn mức, sử dụng điện quá định mức sẽ áp dụng đơn giá điện cao hơn giá trong định mức. Một số máy lạnh dùng lâu năm hết hạn thời gian sử dụng cũng cần phải thay thế”, ông Minh nói.
Đại diện Sở GD&ĐT cho biết thêm, trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp còn hạn hẹp thì nhiều trường xây dựng trong thời gian gần đây hoặc đã xây dựng lâu năm quá trình sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng. Hàng năm các trường có nhu cầu cải tạo sửa chữa trường lớp, nhà vệ sinh, sân thể thao, nhà thi đấu… ngoài nguồn kinh phí nhà nước cấp cần thêm nguồn vận động tài trợ từ xã hội hóa.
Mỗi năm các trường chỉ làm một vài hạng mục, nên hàng năm có vận động tài trợ theo nhu cầu, có sự thỏa thuận với phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu năm.
Đối với các thiết bị hỗ trợ dạy học như: Hệ thống âm thanh, máy chiếu, màn hình trang bị cho các lớp học nhằm nâng cao chất lượng dạy học, các trường cũng có kế hoạch vận động tài trợ trên cơ sở đã thống nhất với phụ huynh học sinh trong buổi họp đầu năm.
Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận việc vận động phụ huynh đóng tiền mua, sửa chữa máy lạnh, sửa chữa cơ sở vật vào đầu năm học cũng có mặt hạn chế. Ngoài ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều đơn vị chưa mở rộng đến các đối tượng vận động tài trợ khác trên địa bàn như các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân...
“Đầu năm học, phụ huynh học sinh phải lo nhiều khoản tiền mua sách, vở, dụng cụ học tập, quần áo đồng phục, nếu thêm các khoản vận động tài trợ cũng gây khó khăn cho phụ huynh học sinh”, ông Minh nhìn nhận.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Minh cho biết thời gian tới các trường học cần tiếp tục mở rộng các đối tượng vận động tài trợ trên địa bàn, không chỉ tập trung vào một đối tượng là phụ huynh học sinh, không tập trung vận động tài trợ vào đầu năm học.