Khuya 30/4, máy bay vận tải của Không quân Hoàng gia Australia hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chở theo 30 cán bộ, chiến sĩ của Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam trở về từ Nam Sudan.
Buổi lễ đón các cán bộ, chiến sĩ trở về diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Các chiến sĩ mũ nồi xanh trở lại quê hương sau thời gian công tác tại châu Phi.
Họ là thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 phục vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan.
Trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt cùng với những quy định nghiêm ngặt của Liên Hiệp Quốc, các cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo y tế, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại địa phương.
Chủ trì lễ đón quân, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, các chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã trải qua thời gian rất khó khăn trong đại dịch, nhưng qua đó cũng thể hiện sự chuyên nghiệp, năng lực của người lính Cụ Hồ.
"Các bạn đã trải qua thời gian rất khó khăn trong đại dịch COVID-19. Các bạn không chỉ chăm sóc sức khỏe cho phái bộ, người dân bản địa mà còn giúp đỡ người dân trong sinh hoạt, trong cuộc sống. Những thành tích đạt được ấy đã làm sáng lên hình ảnh người chiến sĩ nhân dân Việt Nam, người quân y cách mạng Việt Nam bản lĩnh và chuyên nghiệp", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nói.
“Trở về đất mẹ trong một ngày lịch sử, khi cả thế giới đang gồng mình để chống chọi với dịch. Bệnh viện 175 chúng ta cũng đã trải qua cuộc chiến khốc liệt chưa từng có, nhưng vẫn dành cho tất cả đồng chí tình cảm tốt đẹp nhất. Bởi các đồng chí đang thực hiện nhiệm vụ hết sức tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam”, Thiếu tướng Hồng Sơn nói thêm.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Họ đã thu dung hơn 1.400 ca bệnh nhân ngoại trú; tổ chức vận chuyển đường không 16 ca và phẫu thuật thành công 16 ca.
Trong số đó, có rất nhiều ca nặng và phức tạp nhưng xử lý thành công như: đột quỵ não cấp, nhồi máu cơ tim, xuất huyết tiêu hóa cấp, mổ chấn thương ngực, thoát vị bẹn, phẫu thuật bắt con ở bệnh nhân biến dạng cột sống do lao...
Lần đầu tiên áp dụng các kỹ thuật mới trong điều kiện dã chiến như: châm cứu y học cổ truyền Việt Nam kết hợp vật lý trị liệu hiện đại trong điều trị đau cơ khớp, can thiệp giảm đau sau mổ ổ bụng dưới, hướng dẫn siêu âm, đánh giá tăng áp lực nội sọ bằng siêu âm, đánh giá thần kinh thị hậu nhãn cầu trong cấp cứu đột quỵ não...
Đặc biệt, Bệnh viện dã chiến 2 cấp 3 đã mạnh dạn áp dụng hệ thống Tele-medicine trong mổ cấp cứu các ca nặng với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Bệnh viện Quân y 175 cách địa bàn gần 10.000km, chủ động hợp tác và hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện dân sự như Bệnh viện thị trấn Bentiu, Bệnh viện Bác sĩ Không biên giới MSF.
Đối với công tác phòng chống COVID-19, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã làm tốt việc sàng lọc cũng như tư vấn, điều trị đối với các ca bệnh ở mức trung bình cho tới nặng.
Trong 3 tháng cuối nhiệm kỳ, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã phối hợp với các bệnh viện cấp 1 trong địa bàn đẩy lùi được tình hình COVID-19 tại khu vực. Sự phối hợp nhịp nhàng và chủ động của bệnh viện đã đem lại sự bình yên trong khu vực.
Lê Na (đứng đầu) - một trong những chiến sỹ trẻ tuổi nhất chia sẻ: "Sau hơn 1 năm làm nhiệm vụ xa nhà, không chỉ tôi mà các anh chị đồng nghiệp, chắc hẳn ai cũng sẽ rất xúc động và tự hào. Hai từ "hòa bình" càng thấy ý nghĩa và thiêng liêng, càng muốn trân trọng và giữ gìn".
Chiến sĩ Lê Hồng Tâm hạnh phúc khi được sum họp cùng gia đình sau 1 năm đi làm nhiệm vụ.
Đi cùng chồng và 3 cháu nhỏ đến đón con gái trở về, bà Nguyễn Thị Mười (ngụ phường 27, quận Bình Thạnh) đã đứng bật dậy từ xa vẫy tay chào con gái khi chuyến xe buýt chở đoàn chiến sĩ vừa mở cửa.
“Vợ chồng tôi mấy đêm nay không ngủ được vì vừa mừng vừa lo, mừng vì con đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, lo vì không biết con đi đường có an toàn không. Chỉ mong con đi đến nơi về đến chốn”, bà Mười xúc động nói cùng những giọt nước mắt vui mừng, ôm lấy con.