Theo quyết định 1431/QĐ-CTN Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11, NSƯT Thanh Lam là một trong số 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu NSND.
NSƯT Thanh Lam được phong tặng danh hiệu NSND.
Năm 2018, Thanh Lam từng được mẹ là nghệ sĩ Thanh Hương làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND. Tuy nhiên hồ sơ của chị không đủ điều kiện do không đạt đủ số phiếu bầu của Hội đồng cấp Bộ, đồng thời thiếu huy chương. Năm 2023, NSƯT Thanh Lam vinh dự nhận danh hiệu cao quý này.
Thanh Lam sinh năm 1969, là con gái của nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ đàn tỳ bà Thanh Hương. Cô sở hữu chất giọng nữ trung trầm giàu nội lực, âm sắc riêng. Cô được mệnh danh là một trong bốn diva nhạc nhẹ cùng Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà.
Nữ ca sĩ từng đoạt nhiều giải thưởng: Ca sĩ được yêu thích nhất tại Festival La Habana, Giọng hát Vàng tại Liên hoan giọng hát ASEAN, giải Cống hiến.
Năm 2007, Thanh Lam là ca sĩ tự do đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Trong danh sách các nghệ sĩ vừa được phong tặng NSND còn có một gương mặt rất đáng được chú ý là diễn viên - Á hậu Trịnh Kim Chi. Nếu Thanh Lam là ca sĩ tự do đầu tiên được phong tặng NSƯT, Trịnh Kim Chi lại là Á hậu đầu tiên được phong tặng NSƯT và sắp tới là NSND.
Trịnh Kim Chi sinh năm 1971, từng tốt nghiệp khoa Diễn viên của Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Chị từng tham gia vào nhiều bộ phim ăn khách, tên tuổi rực sáng bên cạnh các ngôi sao màn ảnh như Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Lý Hùng, Diễm Hương…Nữ diễn viên trở thành Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1994.
Sau đó, Trịnh Kim Chi tiếp tục hoạt động điện ảnh, sân khấu. Cô được phong tặng NSƯT vào năm 2014.
NSƯT Trịnh Kim Chi được phong tặng danh hiệu NSND.
Ngoài Thanh Lam, Trịnh Kim Chi, một số gương mặt khác cũng được phong tặng NSND dịp này là Xuân Bắc (Nhà hát kịch Việt Nam), Tấn Minh (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), Phạm Phương Thảo (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), Trần Ly Ly (Cục Nghệ thuật biểu diễn), Mỹ Uyên (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, TP HCM), Nguyễn Văn Chương, Diệu Hương, Mai Hoa (Nhà hát VOV),....
NSND là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Người được trao danh hiệu NSND phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.
Người này cũng phải được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao NSƯT.