Sáng 14/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ đầu tháng 3, số ca mắc mới COVID-19 của địa phương dưới 3 ca/ngày, trung bình mỗi ngày có một trường hợp. Từ ngày 6/4 đến 12/4, thành phố có 6 bệnh nhân mắc COVID-19.
Tuy nhiên, ngày 12/4, thành phố ghi nhận 3 ca mắc mới và ngày 13/4 là 7 ca. Hiện, 12 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, không có ca nặng phải thở máy.
Người thuộc nhóm nguy cơ cao đến Trung tâm Y tế quận 3 (TP.HCM) tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: GL)
Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiến hành giải trình tự SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn 11/1 đến 20/3.
Kết quả ghi nhận có 5 mẫu được giải mã thành công, trong đó có 2 mẫu thuộc biến thể phụ BA.5, 1 mẫu BA.2.75, 1 mẫu XBB.1 và 1 mẫu XBB.1.5 (chiếm 20%).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), XBB.1.5 đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu, đã phát hiện ở 94 quốc gia. Các dữ liệu phân tích cho thấy, không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành hay gia tăng số ca nhập viện, tử vong do bất kỳ biến thể nào từ dòng XBB đang lưu hành.
WHO xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm, tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Đồng thời, có 7 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi. Hiện, chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm đáng lo ngại hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bằng cách cho người thân và trẻ em từ 5 tuổi trở lên, người thuộc nhóm nguy cơ cao, đi tiêm vaccine COVID-19 theo quy định.
Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn về thực hiện các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch. Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca mắc, chùm ca viêm hô hấp.
Đồng thời, phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV 2 lưu hành. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao.
Tất cả bệnh viện trên địa bàn phải sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24 để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, cấp cứu của người dân. Các bệnh viện sẵn sàng bố trí khu vực cách ly, thu dung và điều trị F0 tại khoa/đơn vị COVID.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện tuyến cuối điều trị ca COVID-19 nặng nguy kịch; các bệnh viện tuyến cuối của thành phố sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các F0 có bệnh đi kèm, bệnh nền nặng do tuyến dưới chuyển đến. Bệnh viện Dã chiến số 13 sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu.