Video: Cá lồng chết trắng trên sông Cầu, người dân mất tiền tỷ trước Tết
Theo ghi nhận của PV VTC News, từ 27/1 đến 1/2, trên sông Cầu đoạn chảy qua xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt ở 113 lồng nuôi cá của 38 hộ dân, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều loại cá, tôm, ếch và một số loài thủy sản tự nhiên trên sông Cầu cũng bị chết.
Cá chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân nuôi cá lồng ở xã Dũng Liệt rơi vào cảnh trắng tay.
Anh Phạm Văn Khải (thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt) cho biết, gia đình anh có 5 lồng nuôi cá trắm và diêu hồng phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ngày 27/1, người dân phát hiện nguồn nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê xả thải theo nguồn nước chảy ngược lên. Khi phát hiện ra nguồn nước bị ô nhiễm, các gia đình nuôi cá ở đây tìm cách chống chọi, cứu cá như huy động nhiều máy bơm nước để tạo oxy cho cá, di chuyển cá từ lồng vào các ao, hồ trong thôn nhưng chỉ kéo lại được phần nào.
“Nhà tôi huy động hết mọi người ra để tìm cách cứu cá nhưng cá chết rất nhanh, chỉ trong 2 ngày chết hơn chục tấn cá diêu hồng và 2 tấn cá trắm. Giá bán hiện tại từ 47.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, tính ra gia đình tôi thiệt hại hơn 500 triệu đồng, nhiều gia đình còn trắng tay không còn gì nữa”, anh Khải cho biết thêm.
Hơn 2 tấn cá trắm của gia đình anh Khải chết trắng lồng sau 1 đêm.
Thất thần bên lồng cá trống không của gia đình, ông Phạm Văn Chiên (thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt) vẫn chưa hết bàng hoàng khi chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày thu hoạch thì 2 lồng cá trắm của gia đình ông đã ngửa trắng bụng trong lồng và chết hàng loạt.
“Hai lồng cá của tôi nếu để thu hoạch sẽ được khoảng 500 triệu đồng và sẽ lãi khoảng 150 triệu đồng, nhưng đến giờ trắng tay hết cả rồi", ông Chiên buồn bã chia sẻ.
Ông Chiên thất thần bên lồng cá trống không của gia đình.
Cùng chung cảnh ngộ với các hộ nuôi cá lồng, anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Phù Cầm, xã Dũng Liệt) đang đứng ngồi không yên vì bao nhiêu vốn liếng gia đình dồn hết vào 7 lồng cá (5 lồng cá trắm, 2 lồng cá lăng) sắp đến kỳ thu hoạch bỗng nhiên phơi bụng, chết trắng lồng không cách gì cứu vãn. Gia đình ông ước tính thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
“Tôi không ngờ chỉ 5 ngày mà của cải của gia đình đổ sông, đổ biển không thể nào gượng được nổi, kinh tế suy sụp hoàn toàn vì bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào đây giờ coi như trắng tay, không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến Tết cho các con nữa”, anh Sơn chia sẻ.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết trên sông Cầu. Trước đó vào tháng 3/2020 cũng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực này nhưng số lượng ít hơn. Theo các hộ dân nuôi cá ở đây, nguyên nhân cá chết hàng loạt là do nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Nhiều gia đình mất trắng vốn liếng sau vài ngày.
Theo người dân, hiện tượng cá chết thường xuyên xảy ra trên sông Cầu đoạn qua xã Dũng Liệt.
Xác nhận với PV VTC News, ông Nguyễn Duy Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt cho biết, xã nhận được phản ánh của người dân, sau đó trực tiếp đến hiện trường và ghi nhận có hiện tượng cá chết hàng loạt tại các khu lồng nuôi. Theo thống kê, đến nay toàn xã có 22 hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại, nhiều gia đình bị chết hàng chục tấn cá.
Liên quan đến tình trạng cá chết trên sông Cầu, ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Phong cho biết, khi nhận được báo cáo của xã Dũng Liệt, đơn vị này đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Bắc Ninh lấy 3 mẫu nước tại các điểm nuôi cá lồng.
Những ngày gần đây, nước sông Cầu đoạn qua xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) luôn có màu đen và có mùi hôi thối.
Theo kết quả thử nghiệm, lượng oxy tại khu vực nuôi cá của hộ ông Đỗ Tuấn Dũng, thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt (điểm lấy mẫu 1) và Khu bến đò Vạn Phúc (điểm 3) có giá trị rất thấp, lần lượt là 0,35 và 0,30mg/l (hàm lượng oxy hòa tan dưới 1 mg/l có thể gây hiện tượng cá chết hàng loạt).
Theo kết quả trên, nguyên nhân ban đầu được xác định cá chết hàng loạt là do thiếu oxy.
“Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiều nơi khu vực Bắc Bộ thời tiết có mưa, trời nhiều mây, nền nhiệt độ duy trì từ 17-22 độ C, không thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cá thả nuôi. Đặc biệt trong thời gian này nước sông duy trì ở mức thấp dẫn đến các chỉ tiêu vật lý, hóa học trong nước rất dễ thay đổi đột ngột, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cá nuôi”, ông Hợi cho biết thêm.